TÁI XÂY DỰNG HỘI THÁNH
Hải Ly
Các người ấy nói với tôi rằng: Những kẻ bị bắt làm phu tù còn sót ở lại trong tỉnh, bị tai nạn và sỉ nhục lắm; còn vách thành của Giê-ru-sa-lem thì hư nát và các cửa nó đã bị lửa cháy. Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày; tôi cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các từng trời (Nê-hê-mi 1:3-4).
Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời (1 Giăng 4:7).
Có hai điểm người viết muốn chia sẻ:
Điểm Thứ nhất: Nê-hê-mi Khóc Lóc Cư Tang
Khẩn Thiết Khi Cầu Nguyện
(Nê-hê-mi 1:3-4)
Như chúng đều biết Giê-ru-sa-lem không phải chỉ là một thành phố của quốc gia Do-thái mà còn là biểu tượng về đền thờ tâm linh của dân sự Chúa. Nhiều người ngoại như chúng ta có khi cuộc sống cũng giống như thành phố ấy. Có lúc hoang tàn, đôi khi thịnh vượng mặc dù họ đã theo Chúa theo thời gian ngắn dài, nhưng vẫn có nhiều chỗ vách thành đức tin bị rạn nứt hay bị hủy hoại, để không còn khả năng chống cự lại sự tấn công từ những cám dỗ, dục vọng của thế tục bên ngoài. Buồn hơn có ít người trong chúng ta đã trở thành nạn nhân của những thói hư tật xấu; đó là dấu hiệu của sự hư nát.
Mục đích của bài viết này lấy ra những kinh nghiệm lãnh đạo từ Nê-hê-mi để tìm cách khôi phục từ sự đổ nát, hủy phá tường thành Giê-ru-sa-lem về hai phương diện vật chất và tâm linh.
Điều mà chúng ta chú ý là tấm lòng của Nê-hê-mi ngóng trông trước tin tức về vách thành ngay khi đang là người thành công tại nơi mà dân sự của Chúa đang bị lưu đày. Ông là quan tửu chánh của vua Ạt-ta-xét-xe. Ông không thể an lòng khi nhìn thấy vách thành Giê-ru-sa-lem đổ nát và với tấm lòng đau thương khi cầu nguyện, Chúa đã nhậm lời cầu xin và dùng ông trong việc tái thiết tường thành.
Theo như sự ký thuật trong Nê-hê-mi 1:1-3 như sau: Lời của Nê-hê-mi, con trai Ha-ca-lia. Năm thứ hai mươi, nhằm tháng Kít-lơ, xảy khi tôi đương ở tại kinh đô Su-sơ, có một người trong anh em tôi tên là Ha-na-ni với vài người Giu-đa đến tôi hỏi thăm chúng về dân Giu-đa đã được thoát khỏi, tức những kẻ đã bị bắt làm phu tù còn sót lại, và hỏi luôn về những việc Giê-ru-sa-lem. Các người ấy nói với tôi rằng: Những kẻ bị bắt làm phu tù còn sót ở lại trong tỉnh, bị tai nạn và sỉ nhục lắm; còn vách thành của Giê-ru-sa-lem thì hư nát và các cửa nó đã bị lửa cháy.
Khi phân tích đoạn Kinh văn trên, chúng ta thấy được hình ảnh dân sự của Chúa bị bắt làm phu tù, bị sỉ nhục còn vách thành Giê-ru-sa-lem thì bị đổ nát và các cổng của nó thì đã bị lửa cháy rụi. Nê-hê-mi đau buồn nhưng không bỏ cuộc. Ông đã tiếp tục cầu nguyện như câu 4 ghi: Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang (đau buồn) mấy ngày; tôi cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các từng trời.
Nê-hê-mi rất quan tâm khi nghe tin tức về vách thành. Ông buồn rầu, khóc, kiêng ăn cầu nguyện với tâm hồn đau thương trong một trái tim tan nát. Nê-hê-mi khẩn cầu vua Ạt-ta-xét-xe: Vua hỏi tôi rằng: Ngươi cầu xin cái gì? Tôi bèn cầu nguyện cùng Ðức Chúa Trời của các từng trời, rồi tâu với vua rằng: Nếu vua thấy điều đó là tốt lành, nếu kẻ tôi tớ vua được ơn trước mặt vua, xin vua hãy sai tôi về Giu-đa, đến thành có mồ mả của tổ phụ tôi, để tôi xây cất thành ấy lại (2:4–5).
Vua Ạt-ta-xét-xe nghe lời cầu xin và đã cho phép cũng như cung cấp nhiều nhu cầu xây dựng để Nê-hê-mi trở vể quê hương tái thiết lại tường thành. Việc làm của Nê-hê-mi đã khích lệ cho dân sự lúc đó đang lo lắng trở nên an bình: Tôi cũng thuật cho họ thế nào bàn tay nhân lành của Đức Chúa Trời đã giúp đỡ tôi và các lời vua đã nói với tôi. Họ nói: ‘Nào, chúng ta hãy khởi công xây dựng lại ngay đi!' (2:18). Nê-hê-mi đã khích lệ dân sự bằng niềm tin nơi Chúa. Kết quả là họ nỗ lực làm việc bất chấp sự phản đối của kẻ thù và tích cực nhận nhiệm dưới sự lãnh đạo của Nê-hê-mi – họ đã tái xây dựng tường thành chỉ trong năm mươi hai ngày (6:15).
Ngày nay, khi Hội Thánh Chúa cần chỉnh đốn lại cách lãnh đạo trì trệ, đơn điệu ... thì có một số người lúc nào cũng muốn chống đối vì lười biếng, hay gây rối vì ghen tị hoặc có thói quen xấu là thích chê bai miệt thị người khác. Thật chẳng may! Những người đó dường như đang chứa chất loại siêu mầm bịnh tâm linh; bịnh này rất nguy hiểm hơn Covid 19. Nó có thể hủy diệt việc tái xây dựng Hội Thánh và làm tê liệt những ai muốn thi hành Đại Mạng Lệnh của Chúa.
Như vậy, chúng ta cần noi theo gương cầu nguyện của Nê-hê-mi trong sự hiệp tác làm việc và tránh tự mãn với những gì do mình cống hiến tiền bạc, thì giờ hay công sức cho Hội Thánh . Xin đừng hãnh diện khoe khoang về thành tích, việc làm cụ thể của chúng ta là bước chân ra tiếp xúc với cộng đồng, làm chứng và mời họ về Hội Thánh . Không nên bắt bẻ Ban Chấp Hành hay Mục Sư Quản Nhiệm, và cũng không nên phủ nhận công sức của những người hầu việc Chúa tiền phong.
Về phương diện lãnh đạo, chúng ta lúc nào cũng phải bảo vệ Hiến Chương và Nội Quy như là cẩm nang điều hành hầu tránh cách lèo lái Hội Thánh theo ý muốn riêng có thể dẫn đưa đến tà đạo hay nói tiếng mới không hợp với chủ trương của hệ phái. Chúng ta nên cố gắng hiệp một với nhau cách thật lòng lắng cũng như sửa đổi sai trật cách thẳng thắn như cách Chúa dạy ... Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần ta, lấy môi miếng tôn ta, lòng chúng nó thì cách mà xa ta lắm; sự chúng nó kính sợ ta chẳng qua là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho (Ê-sai. 29:13) thì mới hy vọng vực hội chúng đồng tâm đồng sức rao truyền tình yêu của Chúa cho những ai chưa tin.
Trở lại tình trạng đổ nát vách thành trong thời Nê-hê-mi, chúng ta thấy dường như đâu đó vẫn có những ngọn lửa đang âm ỉ thiêu rụi đền thờ. Việc Nê-hê-mi làm là huy động nhiều người có tấm lòng đau xót khi thấy đền thờ rã tan. Ông cầu xin dân sự cật lực góp sức nhau để dập tắt ngọn lửa có thể bùng lên nhưng sức người rất giới hạn, dường như có lúc tuyệt vọng muốn bỏ cuộc. Nê-hê-mi hiểu rõ điều đó nên ông đã cư tang cầu nguyện và kết quả là ông đã nhận được sức mạnh từ Đức Chúa Trời. Chính ông đã làm gương trong sự hiệp tác tái thiết đền thờ trong tinh thần yêu thương nhau.
Thực vậy, nếu chúng ta kết nối được tình yêu của Đức Chúa Trời ban cho khi tái xây tường thành bị lửa cháy thì chắc chắn quyền năng của Chúa sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ là dường bao.
Điểm Thứ hai: Chúng Ta Đối Diện Với
Thực Trạng Đổ Nát Tâm Linh
(1 Giăng 4:7)
Khi xem xét hoàn cảnh Hội Thánh của chúng ta đang sa sút. Chúng ta phải lắng lòng nghe tiếng Chúa phán cho chính mình: Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời (1 Giăng 4:7). Câu Kinh văn này nếu được áp dụng như là chìa khóa khi giao tiếp thì sự điều hành công việc Chúa dễ dàng hơn. Chúng ta nên tự mình đặt ra những câu hỏi có điều gì chúng ta chưa làm theo ý của Chúa chưa. Dĩ nhiên, chúng ta có rất nhiều khó khăn của Ban Điều Hành khi còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo nhưng phải đứng ra cáng đáng nhiều việc mà họ chưa am hiểu tường tận. Họ chỉ có tình yêu của Chúa và nóng cháy làm việc. Chúng ta nên khuyến khích nhau trong sự cầu nguyện để làm theo ý muốn của Chúa.
Trong phân đoạn Kinh văn trên, Sứ-đồ Giăng nhắc rằng "chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau..." Và ông chứng minh rằng Chúa là tình yêu, tình yêu của Ngài là tình yêu vô điều kiện. Từ đó, chúng ta suy nghĩ đến tình yêu của Chúa ban cho mọi người không chỉ là một cảm xúc. Nhưng đó là một cam kết với mọi người khi tái xây dựng Hội Thánh .
Có khi nào chúng ta nghĩ mối quan hệ nào đó khiến Hội Thánh rạn nứt làm buồn lòng Đức Thánh Linh chăng? Nếu "có" thì cách giải quyết như thế nào? Cách tốt nhất là dùng lời dạy của Đức Chúa Trời và tình yêu của Ngài để khỏa lấp những khiếm khuyết cho nhau. Khách quan mà nói nếu chúng ta vâng phục Chúa và bước đi trong tình yêu của Ngài thì không trước hoặc sau, Hội Thánh sẽ hiệp nhất. Hội Thánh sẽ được ơn! Người người được phước!
Thế nhưng, trên thực tế có một số người yêu Chúa cách hững hờ, đời sống của họ chỉ hơi khác người đời là muốn bày tỏ cách sống có phong thái đạo đức một chút trong ngày Chúa nhật mà thôi, còn sáu ngày kia trong tuần thì thích sống theo cách riêng. Họ quan niệm gia nhập Hội Thánh cũng gần giống như ghi danh vào một câu lạc bộ, là nơi người ta gặp gỡ, tìm bạn mới, và trao đổi sở thích về những vấn đề nghề nghiệp vụn vặt. v.v..
Những loại tín đồ đó thật sự chưa có ý thức dấn thân mạnh mẽ để đồng công với Chúa Jesus, họ chưa thật sự dám thực hiện giấc mơ hầu việc Chúa. Với những người đó thường nghĩ rằng họ vẫn là tín đồ tốt, biết kính sợ, yêu Chúa như người bạn thân thiết, nhưng trên thực tế, họ vẫn đứng xa xa Chúa và đùn đẩy công việc cho nhau cho tới một lúc nào họ không vừa ý với anh chị em khác về điều gì đó là họ trở lui, không đi với Ngài nữa - Từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa (Gi. 6:66) sau khi thần tượng nào đó của họ sụp đổ hay rời Hội Thánh thì họ oán trách những người còn ở lại là giả hình.
Anh chị em ơi! Khi hội chúng có những bức tường đổ nát tâm linh như thế, một số tín hữu thiếu hiểu biết về Thánh Kinh, họ đến Trường Chúa Nhật hay thờ phượng với tâm trạng hững hờ. Sự hiện diện của họ chỉ là bổn phận, đơn điệu hoặc chưa cảm thấy sự liên hệ mật thiết ngọt ngào với Chúa một cách thật lòng, một cách sống động. Thậm chí ngay cả bài giảng cũng không giúp ích tăng trưởng tâm linh bao nhiêu! Đó là điều đáng buồn cần chấn chỉnh. Paul Hattaway, Yun, Peter Xu Yongze, và Enoch Wang trong quyển sách Back to Jerusalem đã trải lòng như sau:
Xin hiểu rằng một tín đồ khi trở thành môn đồ lúc lòng họ thôi thúc muốn có đời sống giống như Thầy của mình, họ chưa ham mến “học đạo” Họ sẽ sẵn sàng bước theo Thầy chỉ khi nào họ tin chắc biển không còn nổi sóng và sẽ không có tai họa nào phủ lấp trên lối họ đi... Xin đừng tự lừa dối, một Hội Thánh bị trói buộc như thế chỉ gom nhóm lại những tín đồ không bao giờ có thể làm chứng đem người đến với Chúa cho Vương quốc của Ngài. Thỉnh thoảng họ có dẫn được một người đến thăm viếng Hội Thánh nhưng chưa làm được việc chứng đạo có hiệu quả để cầm giữ được “khách thập phương.” Có chăng là khi nan đề trong cuộc sống phủ đầy, những khách mới đó tìm đến Chúa để tìm phương “thuốc” giải độc. Thật sự, chẳng mấy người khao khát giá trị của Lời Hằng Sống. Làm sao một người có thể đưa một linh hồn lạc mất trên dòng đời đi đến một nơi yên tịnh mà chính họ cũng chưa chắc đã nhận ra được ý nghĩa của sự cứu rỗi linh hồn, ý nghĩa của tội lỗi và giá trị của sự tái sinh.1
Việc hiểu rõ sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời giúp chúng ta: Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người (Rô. 12:18). Khi chúng ta đang gắng sức xây dựng lại Hội Thánh mà nếu mỗi ngày chúng ta sẽ phải gặp những người khó tính, khó chịu. Chúng ta cố gắng đừng bao giờ hơn thua với họ. Chúa Jesus dạy: Các con có nghe lời dạy rằng: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng.’ Nhưng Ta bảo các con: Đừng chống cự kẻ ác. Trái lại, nếu ai vả má bên phải, hãy đưa luôn má bên kia cho người ấy (Mat. 5:38-39). Thật vậy, hơn thua chỉ làm trò cười cho người vô tín mà thôi.
Tóm lại, qua bài viết này, người viết ước ao chuyển tải chút nhận xét cách khi lo công việc Chúa cần những người có tấm lòng như Nê-hê-mi là thiết tha cầu nguyện từ việc nhỏ cho đến những việc lớn và khó mà Hội Thánh chưa làm được. Chúa đang chờ những người như Nê-hê-mi của thời đại tiến tới như những chiến binh thập tự tái xây dựng những chỗ hư nát của vách thành gạch đá cũng như tích cực xây cho mình một bức tường tâm linh theo ý của Chúa cho thật vững vàng.
_______________________
1 Paul Hattaway, Brother Yun, Peter Xu Yongze, and Enoch Wang, Back to Jerusalem: Three Chinese House Church Leaders Share Their Vision to Complete the Great Commission (Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 2003), 63-70.
|