TẬP SAN TINH THẦN 1

 

KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ
CỦA CHÚA JESUS
(THE MASTER PLAN OF DISCIPLESHIP)

Tác Giả: Robert E. Coleman
Chuyển ngữ: Tâm Vân & Nguyên Vũ
Trợ giúp: Nguyễn D. B. Phượng

Chương 1

KHẢI TƯỢNG CẦN THỰC HIỆN

Một Tầm Nhìn Hướng Lên

Khi mở sách Công Vụ Các Sứ Đồ ra, chúng ta thấy hình ảnh các môn đồ của Đấng Christ đang nhìn lên trời, họ chăm chú ngắm xem Chúa Jesus thăng thiên. Rồi “… một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa” (Công-vụ Các Sứ-dồ 1:9).

Trong Kinh Thánh, đám mây bao phủ thường được xem như vinh hiển sự Hiện Diện của Chúa. Vào thời của Môi-se, đám mây che phủ Lều Tạm chỉ về sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và suốt thời kỳ Đấng Christ thi hành chức vụ trên đất, đám mây đã bao phủ Ngài trên Núi Hóa Hình. Đám mây cũng có sức ảnh hưởng mang tính tiên tri. Khi mô tả cho các môn đồ về vinh hiển trong ngày trở lại của Chúa Jesus, Ngài bảo họ rằng họ sẽ thấy Con Người đến trong các đám mây trên trời.

Đây là cách thích hợp để bắt đầu sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Khi những người đàn ông đó vẫn đứng nhìn lên trời, hai thiên sứ mặc áo trắng đến đứng bên cạnh họ và nói: “…Jesus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công.1:11). Lời thông báo đó tái khẳng định lời hứa về chiến thắng cuối cùng của Hội Thánh trong thời đại sau rốt, khi Vương Quốc của Đức Chúa Trời sẽ đến trong vinh hiển, và mọi đầu gối sẽ quỳ xuống trước Đấng Christ và mọi lưỡi sẽ xưng Ngài là Chúa (tham khảo: Phi-líp. 2:10).

Những người tiếp nối các sứ đồ luôn sống với cái nhìn hướng lên này. Chiến sĩ của Hội Thánh không thể tách rời khỏi mục đích của Hội Thánh trong kế hoạch của Đức Chúa Trời. Những gì chúng ta xem như thất bại hay thành công trong công việc chỉ là những chuỗi sự kiện diễn ra theo ý chỉ tối thượng của Đấng đã xác định sự kết thúc từ buổi ban đầu (tk. 2:23; 4:28). Quá khứ và tương lai là hiện tại vĩnh cửu trong tâm trí của Chúa. Để hiểu được phạm vi truyền giáo, sau đó, chúng ta phải tập trung làm trọn Đại Mạng Lệnh, một thực tế đã được vui mừng ở thiên đàng chung quanh ngai của Chúa (Khải-huyền. 5:9; 7:9).

Ở đây, với những tầm nhìn về cõi đời đời, chúng ta có được những thứ tự ưu tiên trên đất: Xu hướng lịch sử tiến đến đích cuối cùng của nó; những mảnh câu đố ghép kín với nhau. Ở dưới chân Chúa Jesus, sự vĩnh cửu xua tan đi những sự kiện đã qua, và thậm chí chúng ta biết như chúng ta được biết đến. Mặc dù hiện nay chúng ta chỉ thấy mập mờ phần phác họa của vương quốc đó, nhưng chúng ta biết rằng nó là chắc chắn và một ngày nào đó Chúa Jesus Christ sẽ cai trị, Ngài là Vua của các vua và Chúa của các chúa (Khải. 11:15; 17:14; 19:6).

Vương Quốc Chúa Sẽ Đến

Vì vậy, không nên ngạc nhiên khi sách Công Vụ Các Sứ Đồ bắt đầu bằng việc Chúa Jesus “phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời” (Công. 1:3). Đây là kế hoạch mà chúng ta được tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài để làm sáng danh Chúa và phục vụ Ngài với vẻ đẹp thánh khiết (Thi. 86:9; Ês. 43:21; Khải. 4:11). Điều làm cho tội lỗi đáng gớm ghiếc ấy là nó đã phủ nhận mục đích của Đức Chúa Trời, lôi kéo con người thờ phượng các tạo vật thay vì Đấng Tạo Hóa (Rô. 1:20-25). Mặc dù Đức Chúa Trời tuyệt đối thánh khiết phải xử lý bất kỳ sự bóp méo ý định nào của Ngài, lấy nó ra khỏi sự hiện diện của Ngài, nhưng Chúa vẫn yêu thương những gì Ngài tạo dựng và luôn tìm cách phục hồi con người sa ngã (Ês. 45:22).

Mục đích của Ngài được bày tỏ cách kỳ diệu qua sự kiện Chúa kêu gọi Áp-ra-ham, qua đó Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một dân tộc đặc biệt để bày tỏ vinh hiển của Ngài cho mọi dân tộc khác (Sáng. 12:1-3; 18:18; 22:18; 26:4; tk. Công. 3:25). Việc Áp-ra-ham đã vâng lời, hoàn toàn đầu phục ý chỉ của Đức Chúa Trời, cho biết phẩm chất yêu kính Chúa là tiêu chuẩn của công dân trong nước trời. Lời hứa này chưa hề trở thành hiện thực trong từng trải luôn dao động của dân Y-sơ-ra-ên; nhưng Đức Chúa Trời hứa rằng nó sẽ trở thành hiện thực khi Đấng Si-lô đến – Đấng Mê-si-a – Đấng đem đến bình an và chân lý. Ngài sẽ là ánh sáng cho dân ngoại và nhóm hiệp một dân hầu việc Ngài từ cuối cùng đất (Sáng. 49:10; Ês. 49:6). Tội ác sẽ bị hủy phá, sự công bình sẽ được lên ngôi, và sự cai trị vinh hiển, được báo trước về ngôi Đa-vít, được thiết lập. “Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi” (Ês. 9:7).

Điều mong đợi này sẽ diễn ra khi Vua đến trong khải hoàn. Vì “… nầy, có một người giống như Con Người đến với những đám mây trên trời; người tới đến Đấng Thượng Cổ và bị dẫn đến trước mặt Ngài. Người được ban cho quyền thế, vinh hiển, và nước; hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu việc người. Quyền thế người là quyền thế đời đời chẳng qua đi, và nước người không bao giờ phải hủy phá” (Đa. 7:13, 14; tk. Xa. 9:10). Trong lời tiên tri này, việc đem các quốc gia đến với Con Người được xem như là một món quà Đức Chúa Trời dành cho chính Ngài, sự khải thị về vinh hiển Ngài trong kỳ chung kết của muôn vật.

Phúc âm Về Đấng Cai Trị

Chúa Jesus phục vụ với niềm tin chắc chắn đầy vui mừng về lời hứa này. Mỗi giai đoạn Ngài bước đi trên đất đều báo trước về ngày đó; âm vang của các sứ thần ngợi khen Đức Chúa Trời về ngôi trời luôn rung động mạnh mẽ trong Ngài. Nhưng Chúa Jesus cũng biết rằng trước khi sự cai trị đời đời của Ngài được diễn ra, thế giới phải được phục hòa với Đức Chúa Trời bởi của lễ hy sinh của Đức Chúa Con – Đấng Mê-si-a. Để hoàn thành sứ mạng này, đầy tớ của Chúa phải đặt mình trong tình trạng sa ngã của chúng ta để gánh những đau thương, nỗi buồn của chúng ta và cuối cùng chết thế cho chúng ta. Không có cách nào khác hơn thế. Chỉ bởi việc nhận chịu sự đoán phạt thay cho chúng ta trên thân thể của Ngài, Chiên Con của Đức Chúa Trời mới có thể cất tội lỗi của thế gian đi (Ês. 53:1-12).

Thật dễ dàng nhận biết lý do tại sao sau khi Phục Sinh, Chúa Jesus quan tâm nhiều đến việc dạy các môn đồ ý nghĩa của những điều này, chỉ bảo cho họ những lời tiên tri trong Kinh Thánh. Các môn đồ này là những người được Chúa lựa chọn để dẫn đưa nhiều người đến tin nhận Ngài (Giăng 17:20-21), và nếu họ không hiểu được mục đích Thập Tự Giá của Chúa, thì làm sao họ có thể hoàn tất công tác của Ngài giao cho họ được? Vì thế bắt đầu từ sách Luật Pháp của Môi-se, xuyên suốt Thi-thiênvà các sách Tiên Tri, Chúa Jesus đã giải thích việc này cần thiết như thế nào “rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem” (Lu. 24:46-47).

Đây là Phúc âm về Nước Đức Chúa Trời – tin tức tốt lành về sự cứu rỗi dành cho tất cả mọi người, được thể hiện trong cả cuộc đời sống động và việc làm của Đấng Em-ma-nu-ên. Sứ điệp này phô bày theo cách như Ngài chữa lành những người vỡ lòng, công bố sự giải phóng cho người bị cầm tù, mở mắt cho người mù, đem đến sự tự do cho những ai ở trong gông cùm; tất cả những điều này được chứng thực bởi việc Ngài chiến thắng sự chết và âm phủ. Ở trong Ngài, vương quốc Đức Chúa Trời đã thực sự hiện hữu; và về phương diện giải cứu bên trong, những ai thật lòng ăn năn và đặt đức tin nơi Ngài được bước vào vương quốc của Chúa – qua sự tái tạo tâm linh (Mat. 18:3; Mác 1:14-15; Giăng 3:3, 5).

Tuy nhiên, Vương Quốc này đang ở dạng hoàn thành trong tương lai, chờ đợi Chúa đến từ trời. Cho đến chừng nào Chúa Jesus trở lại trong vinh hiển của Cha thì sự công bình cuối cùng sẽ chiến thắng khởi đầu một thời kỳ mới. Trong ngày đó, những người kế thừa của Đấng Christ sẽ thấy Ngài và ở trong sự ngợi khen đời đời với Ngài.

Cho đến giờ, các môn đồ sống dưới thẩm quyền của Ngài hình thành một xã hội của “những người được biệt riêng ra,” gọi là Hội Thánh.  Giống như những người canh giữ Vương Quốc, những người theo Chúa thể hiện cho thế giới biết đặc điểm của thời đại sắp đến. Mặc dù sự chiến thắng trọn vẹn đang chờ đợi thời điểm mọi điều ác bị quét sạch, nhưng bây giờ trật tự của thiên đàng đã thiết lập nguyên tắc đạo đức của dân sự Đức Chúa Trời. Tình yêu của Đấng Christ trở thành quy luật sống, vượt khỏi những gì làm cho Phúc âm về Vương Quốc của Ngài được biết trên đất.

Hiểu Sai Của Loài Người

Chiến lược về thời gian của Chúa Jesus ấy là hầu hết mọi người đều hiểu sai về Phúc âm này, chúng ta cũng không hơn gì. Thậm chí ngay các môn đồ của Chúa, mặc dù được dạy về việc Đức Thánh Linh sẽ đến, nhưng họ đã không thật sự hiểu bản chất tâm linh thực tại của Vương Quốc (Công Vụ 1:4-5). Họ hỏi Ngài: “Lạy Chúa, có phải trong lúc này Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?” (Công. 1:6; tk. Lu. 24:21). Giống như những người cùng thời, họ đang nghĩ về thời đại của Đấng Mê-si-a theo phương diện hữu hình, khi đó những người áp bức họ sẽ bị lật đổ bằng sức mạnh vũ lực và nhà nước Do-thái sẽ được phục hồi. Có lẽ trong trí của họ vẫn còn vương vấn mong đợi một chế độ thần quyền về chính trị diễn ra sớm hơn, để chính họ sẽ được ngồi bên trái và bên phải của ngôi cai trị (Mat. 20:21; 19:28). Có lẽ trong suy nghĩ tự kỷ của mình, họ đã không hiểu thấu được lời dạy của Chúa Jesus về sự cai trị của Đấng Christ trong tấm lòng của mình. Họ cũng không hiểu được tinh thần khiêm nhường xuất phát từ sự biến đổi cá nhân, một cộng đồng được cứu phải bày tỏ mùi hương của thiên đàng qua việc làm chứng của Hội Thánh.

Chúng ta hơi ngạc nhiên khi thấy Chúa Jesus cần phải nói với họ nhiều hơn về sự cai trị của Ngài trong Vương Quốc. Họ cần hiểu rằng trong hiện tại “Nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi” (Lu. 17:21; 17:20). Sau đó, Phao-lô giải thích: “Nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn uống, nhưng tại sự công bình, bình an, vui vẻ bởi Đức Thánh Linh vậy” (Rô. 14:17). Không phải họ không cần quan tâm đến việc làm cho thế giới hiện hữu trở thành nơi tốt hơn để sống, nhưng những suy nghĩ về sự sống đời đời phải được thuộc linh hóa trong chính họ và nếu chỉ có bánh ăn thì họ không bao giờ được thỏa mãn.

Như vậy con người không được hướng về phương diện an ủi bằng vật chất và sự thành công? Chúng ta có xu hướng đặt giá trị của mình thiên về ham muốn xác thịt nhiều hơn hướng về Giê-ru-sa-lem mới. Liên quan đến việc thay đổi xã hội, chúng ta quá quen thuộc với cách cư xử của con người, nếu không bị ép vào luật lệ, thì việc thực hành giá trị tâm linh dường như là chuyện hảo huyền. Thậm chí nơi nào có sự nương dựa nơi sức mạnh không thấy được của Đức Chúa Trời, thì cũng thường phát sinh nhiều sự tưởng tượng kỳ quặc hơn là có đức tin chân thật nơi Đấng Christ.

Đấng Christ Thật Đang Sống

Để loại bỏ bất kỳ sự nghi ngờ nào trong lòng của các môn đồ, Chúa Jesus kết nối lời dạy của Ngài về Vương Quốc cùng với sự phục sinh của Chúa. “… Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày” (Công Vụ 1:3). Với lời khẳng định rõ ràng này, Lu-ca công bố sự chiến thắng của Đấng Christ vượt trên tất cả những quyền lực đang kiềm hãm thế giới này. Tại những thời điểm và nơi chốn khác nhau nhiều người đã thật sự thấy Chúa trong thân thể vinh hiển; một số người đã nói chuyện với Ngài; những người khác đã cùng dùng bữa với nhau do Chúa chuẩn bị; một số người đã nắm tay, chạm vào chân và thậm chí sờ vào sườn Ngài kiểm tra vết thương bị giáo đâm. 

Đây là bằng chứng trực tiếp và khách quan trước tòa. Rõ ràng Chúa Jesus muốn các môn đồ của Ngài biết rõ về sự sống lại này. Đây không phải là ảo tưởng huyền bí, không phải là ảo giác từ suy nghĩ khát khao đưa đến; đúng hơn là họ đã chứng kiến một hiện thực bằng mắt trần và mang tính lịch sử.

Việc ngắm xem Chúa thăng thiên cũng nói lên tính xác quyết như vậy. Bởi việc mục kích vinh hiển Ngài, Đấng Christ đã ghi sâu trong trí của các môn đồ vị trí cai trị đời đời của Ngài với Cha. Công tác hy sinh trên đất của Ngài đã kết thúc khải hoàn, và giờ đây không còn bị giới hạn về thời gian và không gian nữa, Chúa Jesus đang thi hành công tác bên hữu Đức Chúa Trời. Ở đó, Ngài cai trị trời và đất với uy quyền không thể chối cãi được, chờ đợi một ngày nào đó Chúa sẽ trở lại cách huy hoàng.

Sứ Đồ Giảng Tin Lành

Sứ điệp của các sứ đồ được hiểu theo ý nghĩa của hiện thực này. Những gì Phi-e-rơ rao giảng tại Lễ Ngũ Tuần vang dội xuyên suốt sách Công Vụ Các Sứ Đồ: Chúa Jesus ở Na-xa-rét, Đấng bày tỏ nhiều việc quyền năng đã bị những người vô luật pháp đóng đinh. Đức Chúa Trời đã khiến Ngài sống lại và đem Ngài ngồi bên phải Đức Chúa Cha và ban Đức Thánh Linh cho những người làm chứng về Ngài. Do đó, hãy để mọi người biết chắc rằng Jesus là Chúa và là Đấng Christ (Công. 2:22-36).

Với sự xác quyết này, các môn đồ rao báo rằng thời kỳ ứng nghiệm đã đến, đó là “thời kỳ phục hồi muôn vật” (3:21). Đây là “sự trông cậy lời Đức Chúa Trời đã hứa cùng tổ phụ chúng tôi” (26:6; tk. 28:20). Tất cả những lời tiên tri về sự chịu khổ, chết và chiến thắng khải hoàn của Vua-Đầy tớ đã được ứng nghiệm trong Đấng Christ, Cứu Chúa của thế gian. Hòn đá bị các thợ ây loại bỏ giờ lại trở nên đá góc nhà. “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (4:12).

Vì vậy, mọi người được kêu gọi đến sự ăn năn và tin vào Đấng Christ để được tha thứ tội lỗi và thừa hưởng những gì thuộc về Đấng Christ (vd: 2:38; 3:19; 5:31; 10:43; 13:38, 39; 17:30; 26:18, 20). Yêu cầu về vấn đề đạo đức đã rõ ràng. Mọi người phải biết ý muốn của Đức Chúa Trời được bày tỏ trong “Đấng Thánh và Đấng Công bình” (3:14). “Vả lại ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu” (2:21).

Trọng tâm rao giảng là lời khẳng định về vương quyền của Đấng Christ. Ngài là “Đấng xử đoán kẻ sống và kẻ chết” (10:42), “Chúa của trời đất” (17:24). Đối với quyền lực đời này, Phúc âm bị khinh miệt và cười nhạo; nhưng đối với những người tan vỡ tấm lòng và ăn năn, đây quả thật là “tin vui đem bình an” (10:36). Vì Chúa là Đấng Tể trị trên tất cả mọi sự; mọi kẻ thù của Đức Chúa Trời sẽ bị đặt dưới bệ chân của Ngài (2:35).

Vương Quốc của Chúa đã đến và hiện đang đến! Đây là sứ điệp vang dội mà Phi-e-rơ, Ê-tiên, Phi-líp, Phao-lô và tất cả Cơ-đốc nhân rao báo (2:30; 3:21; 7:55; 8:12; 14:22; 19:8; 20:25; 28:23). Vì thế sách Công-vụ Các Sứ- đồ bắt đầu từ việc Chúa Jesus giải thích chi tiết về Phúc âm của Vương Quốc Chúa và kết thúc cũng bằng câu chuyện tương tự do các sứ đồ kể đó là “giảng về nước Đức Chúa Trời và dạy dỗ về Đức Chúa Jesus Christ” (28:31).

Điều đáng chú ý trong nội dung những sứ điệp các sứ đồ rao giảng suốt cả sách Công Vụ Các Sứ Đồ – có lẽ một phần tư của sách – nhấn mạnh đến tầm quan trọng to lớn dựa trên giáo lý vững chắc của Hội Thánh.  Mặc dù tại thời điểm này các Bài Tín Điều Các Sứ Đồ có hệ thống chưa được viết, nhưng chắc chắc họ không thiếu những sự dạy dỗ về thần học cơ bản, hoặc cũng không có sự nghi ngờ gì về lẽ thật tinh túy của Phúc âm.  Rõ ràng Lu-ca muốn nhấn mạnh rằng những gì họ sống không thể tách rời với những gì họ tin.

Sứ Điệp Cho Muôn Dân

Sứ điệp này về bản chất không thể tự hình thành. Nếu Đấng Christ là Chúa của tất cả, khi ấy mọi sự được tạo dựng phải thừa nhận những lời công bố của Ngài về chính chúng hay sự sống của chúng. Vì vậy, Kinh Thánh chép rằng sự vinh hiển của Ngài phải được công bố cho muôn dân (I Sử. 16:24; Thi. 97:6; 99:3-5); Danh của Chúa phải được mọi người ở cù lao hay xứ xa biết đến (Ês. 66:19). Những gì Đức Chúa Trời đã làm trọn qua Đấng Mê-si-a của dân Y-sơ-ra-ên là vì ích lợi của thế giới, hướng đến một ngày mà cả những người ngoại quốc và Do-thái sẽ cùng đến dự tiệc trên trời và Đức Chúa Trời “đã nuốt sự chết đến đời đời” (Ês. 25:6-8).

Chiều hướng chung của Phúc âm tự nhiên trở thành lời chứng của Hội Thánh. Các môn đồ của Đấng Christ tại Lễ Ngũ Tuần được sai phái đi rao giảng “cho đến cùng trái đất” (Công Vụ 1:8). Ngay lập tức, tính mở rộng bờ cõi này được minh họa khi 120 môn đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh công bố những công việc kỳ diệu của Đức Chúa Trời cho không ít hơn mười lăm dân tộc khác nhau đang ở Giê-ru-sa-lem dự lễ, đại diện cho “từ các nơi trong thiên hạ” (2:5).

Phi-e-rơ giải thích lời tiên tri của Giô-ên rằng Đức Chúa Trời đã hứa ban Đức Thánh Linh “trên mọi loài xác thịt” hầu mọi người đều có cơ hội được cứu (2:17). Lời mời này không chỉ dành cho những vị khách quốc tế, nhưng cũng “… thuộc về hết thảy những người ở xa, tức là bao nhiêu người mà Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ gọi” (2:39). Thật vậy, lời hứa của Chúa cho Áp-ra-ham đã được ứng nghiệm trọn vẹn cho “mọi chi tộc nơi thế gian” (3:25).

Mặc dù các môn đồ của Chúa trì hoãn thực hiện việc rao giảng cho dân ngoại, nhưng sự bắt bớ đã buộc họ phải vâng phục trong đức tin. Phi-líp đi đến Sa-ma-ri giảng về Đấng Christ và vương quốc của Ngài (8:26-39). Khi ấy, Sau-lơ tin Chúa Jesus và được Ngài sai phái đồn ra danh của Chúa cho mọi người ở khắp nơi (9:15; 22:15).

Người đánh cá thành thạo cuối cùng cũng đã nhận được sứ điệp ra đi và kết quả là đã đem sự cứu rỗi đến cho thầy đội người La-mã và cả gia đình của ông (10:1-48). Việc đi đến cùng dân ngoại là vô cùng quan trọng đến nỗi nó được nhắc lại hai lần để xác chứng về sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời (11:1-18; 15:1-29). Tin Lành cũng đã sớm đến với An-ti-ốt, nơi có nhiều người Do-thái nói tiếng Hy-lạp cũng như tiếng A-ram (11:19-21).

Từ một Hội Thánh hiệp nhất này, Phao-lô và Ba-na-ba được sai phái ra đi rao giảng Tin Lành khắp thế giới. Khi những người Do-thái ở Bi-si-đi nhạo báng sứ điệp họ rao giảng, Phao-lô và Ba-na-ba bèn quay sang những người ngoại quốc như Đức Chúa Trời phán dạy (13:46-47).

Việc này trở thành khuôn mẫu – các giáo sĩ đi từ thành phố này sang thành phố khác tôn cao danh Chúa của cả trời đất, Đấng “đã làm cho muôn dân sanh ra chỉ bởi một người” (17:26), và Ngài “biểu hết thảy mọi người ở khắp nơi đều phải ăn năn” (17:30). Khi thiên anh hùng ca về Phao-lô kết thúc ở Rô-ma, nhưng sứ điệp của ông về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại vẫn được rao báo.

Cứ Tiếp Tục Phát Triển

Những gì được tìm thấy trong khải tượng rao giảng khắp thế gian có liên quan đến sự phát triển Hội Thánh. Việc Kinh Thánhthường xuyên đề cập về số lượng người tin Chúa gia tăng cho thấy mối liên hệ này. Trước giả sách Công Vụ Các Sứ Đồ muốn chúng ta nhận thức rằng sự làm chứng của các sứ đồ đã đem đến những kết quả thành công có thể thấy được.

Tiếp theo việc tuôn đổ Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần là sự kiện có khoảng ba ngàn người tin Chúa và chịu báp-tem (2:41). Hơn nữa, mỗi ngày sau đó “Chúa cứ đem nhiều người được cứu” thêm vào trong Hội Thánh (2:47). Khi đó số lượng người nam (không kể phụ nữ và trẻ em) xấp xỉ năm ngàn (4:4). Khi “số những người tin Chúa càng ngày càng thêm lên, nam nữ đều đông lắm” (5:14) thì sự đe dọa của chính quyền Do-thái ở bên ngoài và sự sợ hãi của những kẻ giả hình bên trong Hội Thánh dường như leo thang. Số lượng này càng gia tăng ở chương 6 khi “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm” (6:7).  Ngay cả “… cũng có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa” (6:7) cho thấy số người trong nhóm chống cự nhiều nhất trong dân Y-sơ-ra-ên cuối cùng đã đến với Đấng Christ.  Những cuộc bắt bớ khốc liệt diễn ra nhiều hơn đã đưa những người tin Chúa đi đến nơi khác và khi đi đến đâu họ đều giảng Lời Chúa đến đó (8:4). Tiêu biểu là việc Phi-líp làm chứng cho những người Sa-ma-ri, tại đây nhiều người “chú ý lắng nghe” và nhận chịu báp-tem (8:6, 12). Thêm vào đó, Phi-e-rơ và Giăng đã đến các làng mạc để làm chứng (8:25). Sau khi Phi-líp tiếp cận và giảng Phúc âm, hoạn quan người Ê-thi-ô-pi đã tin Chúa trên đường đến Ga-xa rồi “từ đó… giảng Tin Lành khắp những thành nào mình đã ghé qua” (8:40). Sau-lơ ở thành Tạt-sơ, người bắt bớ đạo Chúa then chốt của tòa công luận, trên đường đi Đa-mách để bắt bớ các tín hữu ở đây đã được Đấng Christ chinh phục và bắt đầu rao giảng đạo của Chúa cách dạn dĩ “Ấy vậy, Hội Thánh trong cả xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê và xứ Sa-ma-ri được hưởng sự bình an, gây dựng và đi trong đường kính sợ Chúa, lại nhờ Đức Thánh Linh vùa giúp, thì số của hội được thêm lên” (9:31).

Ở Ly-đa có một số người tin Chúa, khi đến thăm nơi này Phi-e-rơ đã chữa lành người bại liệt. Kinh Thánhký thuật rằng: “Hết thảy dân ở Ly-đa và Sa-rôn thấy vậy đều trở về cùng Chúa” (9:35). Ở tại Giốp-ba, sau khi Ta-bi-tha sống lại nhiều người cũng đã tin Chúa (9:42). Từ đó, Phi-e-rơ đến Sê-sa-rê rao giảng Tin Lành cho thầy đội người La-mã, và Cọt-nây cùng cả nhà của ông cũng được cứu (10:44-48; 11:14). Nhiều môn đồ khác đi đến cùng với những người bị tách rời khỏi gốc gác Do-thái của mình và ở tại An-ti-ốt “rất nhiều” người ngoại quốc tin Chúa (11:21), việc này được lập lại khi Ba-na-ba ghé thăm Hội Thánh (11:24, 26). Mặc dù Hê-rốt bắt bớ một số lãnh đạo Hội Thánh, giết Gia-cơ và bỏ tù Phi-e-rơ, nhưng “đạo Đức Chúa Trời tấn tới rất nhiều” (12:24).

Cùng với việc Hội Thánh tại An-ti-ốt sai phái Phao-lô và Ba-na-ba, sự phát triển càng ngày gia tăng theo xu hướng toàn cầu. Đi đến Tiểu Á, hoặc bất cứ nơi nào Tin Lành được rao giảng, ở đó có người tin Chúa (13:12, 42; 14:21). Tại An-ti-ốt xứ Phi-ri-gi “… gần hết cả thành đều nhóm lại để nghe đạo Chúa” (13:44), và dù có sự thù địch nhưng “những ai đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo” (13:48-49). Việc như vậy cũng xảy ra tương tự ở Y-cô-ni, Lít-trơ và Đẹp-bơ (14:1, 20, 21, 27), ở bất cứ nơi nào Cơ-đốc nhân “được vững vàng trong đức tin, và số người càng ngày càng thêm lên” (16:5). Bị thách thức bởi khải tượng về người Ma-xê-đoan, các giáo sĩ đã đi đến châu Âu – đến các thành Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê, A-thên, Cô-rinh-tô và các vùng lân cận gặt hái nhiều linh hồn cho Chúa (16:15, 33, 34; 17:4, 12, 34; 18:8). Đi tới lui nhiều nên họ có cơ hội đi ngang qua thế giới Địa Trung Hải, môn đồ hóa nhiều người để những người này tiếp tục đi ra môn đồ hóa những người khác cho đến khi “mọi người trong cõi A-si đều nghe đạo của Chúa” (19:10; tk. 26; 24:5). Thậm chí kẻ thù phải thừa nhận rằng Cơ-đốc nhân đã làm “cả thiên hạ thay đổi” (17:6). Thật vậy, Lời của Chúa càng ngày càng trở nên “quyền phép” và “được thắng” (19:20).
Sách Công-vụ Các Sứ-đồ khép lại mô tả lời chứng về Đấng Christ đã được lan tỏa cả trung tâm của thế giới, sứ điệp này cứ tiếp tục được dạy dỗ “cách mạnh mẽ” (28:31). Sách không có lời kết luận nào cả. Quả thật, không thể có lời kết luận nào, vì chúng ta vẫn đang sống trong thời đại của mùa gặt, và công việc này phải được tiếp tục cho đến khi kết thúc. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chưa đến ba mươi năm, lời làm chứng đã vang đến “tận cùng trái đất” như Chúa Jesus đã dạy bảo (1:8).

Phao-lô có thể nói về đức tin của người Cơ-đốc như được đồn “khắp cả thế gian” (Rô. 1:8; tk. Côl. 1:5, 6). Với ý nghĩa chung về việc rao báo Tin Lành cho mọi quốc gia, chắc hẳn Hội Thánh thời các sứ đồ đã thực hiện Đại Mạng Lệnh cách nghiêm túc, và ở một mức độ đáng chú ý họ đã thật sự thâm nhập vào những vùng dân cư rộng lớn trên thế giới để công bố về vương quốc của Chúa.

Những Nguyên Tắc Gia Tăng

Nếu đem so sánh việc Hội Thánh trước ngày Lễ Ngũ Tuần chỉ có vài trăm tín hữu thì đây là một sự thành công đáng ngạc nhiên.  Có lẽ cộng đồng Cơ-Đốc chỉ trong vòng ba thập kỷ đã gia tăng gấp bốn trăm lần, tương ứng tỉ lệ tăng hàng năm là 22% cho hơn một thế hệ, và tỉ lệ phát triển tiếp tục cao hơn suốt 300 năm. Vào đầu thế kỷ thứ tư, khi Constantine tin Chúa, số lượng các tín hữu có lẽ đạt đến 10 hay 12 triệu, hoặc xấp xỉ một phần mười tổng dân số của đế quốc La-mã. 

Sự phát triển như vậy không thể được duy trì bằng cách chỉ cộng số con trẻ của các tín hữu vào danh sách, cũng không phải là kết quả của việc chuyển đổi thành viên từ các chi hội khác nhau. Hội Thánh đầu tiên được phát triển vì nhờ có rất nhiều người đi ra làm chứng về Đấng Christ bày tỏ nếp sống tin kính của mình cho những người khác và giúp những người này sinh bông trái giống như thế.

Việc một nhóm mới được hình thành với quy mô nhỏ như thế nào không quan trọng, miễn là họ gieo khải tượng của mình vào những người nam và nữ và những người này đến lượt của họ cũng chuyển tải khải tượng đó cho nhiều người khác và sinh trái. Hội Thánh đầu tiên có những lời chứng hùng hồn trong lòng bởi áp dụng Lời Chúa và tin rằng với Ngài không việc chi là không thể.

Cách Ứng Dụng Ngày Nay

Dĩ nhiên, thời gian trôi qua và không có điều gì trong xã hội của chúng ta không từng thay đổi. Nhưng mạng lệnh ra đi chinh phục thế giới cho Đấng Christ vẫn còn y nguyên. Sách Công-vụ Các Sứ-đồ bày tỏ rõ ràng rằng việc đem Tin Lành cho mọi tạo vật là chương trình của Đức Chúa Trời và nó có thể được hoàn tất.

Việc truyền giáo thế giới, được xem xét theo chiều hướng thuộc linh trọn vẹn, hỗ trợ cho Cơ-đốc giáo đầy sinh động. Thật vậy, nó là một phần của khải tượng về vương quốc của Chúa. Đây là mục đích thánh cho mỗi Cơ-Đốcnhân. Việc này không chỉ có thể đạt được, nhưng cũng chắc chắn xảy ra. Dù bạn có tin hay không, một ngày nào đó Tin Lành về nước Đức Chúa Trời sẽ được rao giảng khắp đất (Mat. 24:14). Chúa của cả cõi hoàn vũ sẽ không bao giờ để mục đích của Ngài bị thất bại. Bất kỳ những hoạt động nào không hòa nhịp với mục đích của Ngài dành cho nhân loại thì chỉ là những việc làm phù phiếm. Càng sớm nhận thức điều này và đồng hành với Ngài, chúng ta càng sớm thích ứng với cõi đời đời.

Hội Thánh cần khải tượng về Nước Đức Chúa Trời biết dường bao – một khải tượng đến từ Lời Đức Chúa Trời và là ý chỉ hiện thực của Ngài cho nhân loại. Chúng ta dễ chú ý đến những điều kém quan trọng, để cho thế gian lôi cuốn trong khi những thứ tự ưu tiên cho thiên đàng dễ bị lãng quên. Trong khi đó vô số người sống không có mục đích từng hồi đang bị đùa đến sự hủy diệt, mà không có một bài ca để hát hoặc một điều gì đó để đánh thức.

Với ý nghĩa đó, liệu có thích hợp để hỏi chính mình rằng “Khát vọng của Đức Chúa Trời dành cho đời tôi là gì?” Chỉ sau khi xác định được nơi Chúa muốn chúng ta đi đến, chúng ta mới có thể lên kế hoạch để đến đó. Vấn đề này xoay hướng chúng ta về Đức Chúa Trời và Tin Lành của Ngài cho thế giới. Nếu chúng ta xác quyết rằng Vua vinh hiển, đã cất tội lỗi của chúng ta và phá hủy sự chết trong phần mộ, sẽ cứu tất cả những ai đến với Ngài, thì chúng ta không thể ngồi đó vẩn vơ trong khi nhiều người hư mất mà chẳng có chút hy vọng nào. Chúng ta sẽ không dám bày tỏ sự hững hờ của mình cho thế giới Chúa yêu và vì thế giới đó Ngài đã hy sinh Con yêu dấu của Ngài. Tin mừng cứu rỗi phải được loan báo cho khắp đất. Jesus là Chúa! Ngài đang trị vì trên trời cao và sẽ trở lại trong vinh quang và năng quyền. Chỉ có suy nghĩ này mới làm cho con tim thổn thức trong sự ngạc nhiên! Chúng ta có thể không có nhiều tiền, nhưng chúng ta có Cứu Chúa siêu việt và vương quốc của Ngài hằng có mãi mãi.

Đây là nơi chúng ta bắt đầu. Tuy nhiên, làm sao để khải tượng này trở thành hiện thực, chúng ta cần xem xét một nguyên tắc khác bày tỏ về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

 

 (Còn tiếp)