DĨ BẤT BIẾN ỨNG VẠN BIẾN
Đăng Cao
Người tín đồ của Chúa luôn đứng ở cái bất biến mà quan sát cái vạn biến, dùng bất biến ứng phó với vạn biến, do đó mà trường cửu, đời đời. Không nắm được cái bất biến mà suốt đời cứ chạy theo cái vạn biến thì cả đời lo lắng, không bình an.
I. TỰ LÀM TỔN THƯƠNG
Một đêm, một con rắn trong khi đang tìm kiếm thức ăn, bò vào một xưởng mộc. Người thợ mộc vốn khá bừa bộn, đã để lại một số dụng cụ nằm trên sàn nhà, trong số đó có một cái cưa. Khi con rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị cắt một vết nhỏ. Nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, nó lập tức quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa khiến cho nó chảy máu. Điều này càng làm con rắn tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và bấy giờ con rắn nghĩ rằng đối phương nằm im dường như đã “chết rồi."
Dù nó cũng bị thương nặng, con rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật mạnh trước khi bò đi.
Sáng hôm sau, người thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình. Cái cưa từ đầu tới cuối, vẫn bất động nằm yên. Con rắn một mình đơn phương vùng vẫy tấn công trả thù. Cách xử thế của nó là do nó tự suy, tự nghĩ, tự hành động và tự chuốc họa vào thân.
Trong lúc cố gắng làm tổn thương người khác, chúng ta đã làm tổn thương chính mình trước. Bao nhiêu lần trong đời, chúng ta gặp hoàn cảnh bi đát này? Tôi thấy có vài người đang sống như vậy. Tự cô lập, tự thù hận, tự cay đắng, rồi có những phản ứng không giống ai, tách rời khỏi số đông và tưởng rằng thế gian này, chỉ có mình theo Chúa. Thật ra người đó bước theo bóng của mình.
Trong trường Chúa nhật, vị thầy giáo đưa ra một trắc nghiệm khi ông ta đặt câu hỏi: Trong cuộc sống, chúng ta bị thử thách gì? Nghĩa là chúng ta gặp khó khăn gì? Tức khắc câu trả lời là sức khỏe. Sức khỏe của mình và của người thân của mình. Thử thách tiếp theo là công ăn việc làm và thứ ba là vấn đề con cái. Con cái làm cha mẹ điên đầu và thứ tư là sự bội tình, hay phản bội của vợ, chồng và của bạn bè.
Khi thầy giáo đưa ra vấn đề tiền bạc cũng là thử thách lớn nhưng thật ngạc nhiên, đa số học viện không đồng ý. Đó là nan đề duy nhất họ không đồng ý với nhau. Thật ra vì học viên trong lớp đa số đã trên 50 tuổi nên họ đã ổn định về tài chánh vì thế tiền bạc của họ không còn là vấn nạn lớn nữa.
Có người cho rằng vì Đức Chúa Trời luôn luôn đưa ra những thử thách vừa với sức của con người. Vậy nên thử thách của anh sẽ khác với thử thách của tôi và chúng ta không nên so sánh hay phân bì. Chúng ta tranh đấu vượt qua không cùng chung một phương cách vì Cha trên trời nhìn chúng ta riêng rẽ.
Gia-cơ, em của Chúa Jesus đồng ý với chúng ta về nhận xét này. Toàn bộ lá thư của ông nói về làm thế nào đáp ứng tốt nhất khi chúng ta chịu áp lực thử thách. Ông lưu ý chúng ta ở phần đầu lá thư là những thử thách là một phần cần thiết để tâm linh của chúng ta tăng trưởng.
Gia-cơ 1:2-4, “ Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” Vậy nên phước dành cho ai đáp ứng với những thử thách đó một cách tốt lành.
Gia-cơ 1:12 “Phước cho người chịu đựng thử thách, vì sau cơn thử luyện sẽ được lãnh mão sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho Người yêu kính Ngài.” (Blessed is the one who perseveres under trial because, having stood the test, that person will receive the crown of life that the Lord has promised to those who love him."
Bây giờ chúng ta đọc ba câu kinh văn kế tiếp, tức là Gia-cơ 1:16-18 tìm thấy ba chân lý chúng ta cần nhớ khi gặp hoàn cảnh thử thách khó khăn.
Đã nói là chân lý tức là tôi nói đến tánh cách quan trọng, bất dịch của nó. Nắm được chân lý rồi thì trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể ứng sử dễ dàng.
Câu "Dĩ bất biến ứng vạn biến" là một vế trong đôi câu đối mà vế thứ hai là "Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm" (Lấy tâm chúng sinh làm tâm của mình) trong nền văn hóa, triết học phương Đông. Dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái không thay đổi mà ứng phó với cái luôn thay đổi. Mọi sự vật, mọi hiện tượng đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là nguyên lý của vạn vật.
Người tín đồ của Chúa luôn đứng ở cái bất biến mà quan sát cái vạn biến, dùng bất biến ứng phó với vạn biến, do đó mà trường cửu, đời đời. Không nắm được cái bất biến mà suốt đời cứ chạy theo cái vạn biến thì cả đời lo lắng, không bình an. Cái bất biến chế ngự nhân sinh là Đức Chúa Trời mà lời của Ngài được ghi lại trong quyển Kinh Thánh . Đức Chúa Trời không hề thay đổi và Lời của Ngài cũng vậy. Kinh Thánh có uy quyền tuyệt đối trên mọi vấn đề của chúng ta, đem đến những giải pháp cho tất cả mọi nan đề của đời sống. Vậy thì, trước hoàn cảnh xã hội, con người luôn luôn thay đổi, những lúc gặp thử thách, khó khăn, cái bất biến, chân lý của lời Chúa là gì?
II. TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA
"“Hỡi anh em yêu dấu, chớ tự dối mình" (c. 16). Giống như A-đam trong Vườn Ê-đen, loài người chúng ta là những chuyên gia về việc đùn trách, đổ thừa hay tránh né hoặc từ chối: Đó không phải do tôi làm.
Chúng ta có thể tóm tắt như sau: Đổ thừa: Chính anh ta bắt đầu trước. Đùn qua: Ma quỷ xúi tôi làm điều đó. Và đôi khi biện hộ: Tôi không thể kiểm soát bản thân mình. Hoặc: Toàn bộ sự việc đã được sắp đặt do tại tôi kém may mắn. Nếu tôi là già hơn / trẻ hơn / giàu / thông minh hơn / còn độc thân / lập gia đình /học hành cao hơn / quen biết rộng, điều này sẽ không xảy ra với tôi.
Cao hơn một bậc là lý luận như sau: “Ngài đã tạo ra chúng ta, ban cho sự sống, Ngài kiểm soát tất cả mọi việc. Vậy thì những lỗi lầm, vấp phạm, sai trái xảy ra cũng do Chúa mà ra. Hay ít ra, vì mọi sự Chúa đã định trước, tôi là ai mà có thể cưỡng lại số phận của mình?
Tất cả các lý do cuối cùng chỉ là những lời nói dối khi nó được phơi bày trước ánh sáng chói lòa của Đấng Toàn Tri. Vì vậy, Gia-cơ nhắn nhủ: chớ dối lòng, đừng đánh lừa mình rằng mình có thể đổ lỗi cho Chúa về những thử thách, những cám dỗ mà chúng ta phải đương đầu. Đó là điều đầu tiên Gia-cơ muốn chúng ta phải nhận thấy. Nhìn vào sự thật – những khó khăn, những thử thách đưa tới hệ quả từ những việc sai lầm của chính mình.
"Đức Chúa Trời là yêu thương" (I Giăng 4:8), "Đức Chúa Trời yêu thương thế gian" (Giăng 3:16), "Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài với chúng ta khi chúng ta còn là người có tội" (Rô-ma 5:8).
"Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương" (I Giăng 4:7).
"Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta. Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau" (I Giăng 4:7-11).
Cái nguy của người thế gian là không tin Chúa.
Cái nguy của người tin Chúa là tin sai lầm.
Chúng ta "tin sai lầm" khi chúng ta quên rằng Đức Chúa Trời biết tất cả những gì chúng ta đang nghĩ, đang làm, đang nói: tốt hay xấu, lành hay gian, thật hay giả dối. Chúng ta " tin sai lầm" khi chúng ta quên rằng Đức Chúa Trời ở bên cạnh chúng ta 24/24. Chúng ta "tin sai lầm" khi chúng ta buộc tội Chúa ngược đãi chúng ta.
Hãy nhớ thật kỹ - chân lý thứ nhất, cái bất biến thứ nhất là Đức Chúa Trời luôn luôn yêu thương chúng ta. Vì thế, khi gặp thử thách, hãy bình tĩnh, đừng vội vàng trách Chúa.
III. SỰ NHÂN LÀNH CỦA CHÚA
“Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào."
Gia-cơ 1:13-15 "13 Chớ có ai đang bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. 14 Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. 15 Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết."
Gia-cơ cảnh báo chúng ta chớ đổ lỗi cho Chúa về các nan đề của chúng ta. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta phải tự trách mình, xem xét bản thân mình, nhìn ra những bài học để sửa chữa, thay đổi, ăn năn. Chớ đổ lỗi cho Chúa.
Quý vị đã biết Phao-lô kể từ ngày tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình, đã gặp rất nhiều hoạn nạn, nghịch cảnh, chạy trốn, bắt bớ, tù đày nên ông đã có câu trả lời tại sao cuộc sống quá khó khăn. Câu trả lời đó đã có từ nhiều thế kỷ. Câu trả lời nằm trong lá thư 2 Cô-rinh-tô. Trong những câu đầu của chương 1 có thể giúp chúng ta giải đáp thắc mắc thuộc loại khó trả lời.
Đây là một bài học quan trọng ngay trước mắt về nguyên tắc của cuộc đời: Vấn đề không phải là tại sao nó xảy ra như thế nào mà quan trọng là phản ứng của chúng ta trước vấn đề đó như thế nào!
Khi gặp (lúc) khó khăn, hãy đối phó như một Cơ-đốc nhân, chớ không như là một nạn nhân. Tại sao?
Hãy quan sát phản ứng của hai người khác nhau:
Nạn nhân hỏi: "Tại sao nó xảy ra cho tôi?”
Cơ-đốc nhân hỏi “Bài học mà tôi học được là gì?”
Nạn nhân tin rằng: "Mình gặp khó khăn vì ông Trời phạt mình."
Cơ-đốc nhân hiểu rằng: "Đức Chúa Trời cho phép khó khăn xảy ra để giúp mình lớn lên."
Nạn nhân tin rằng: "Ông Trời đã quên mình."
Cơ-đốc nhân thấy bàn tay nhân lành của Chúa trong mọi sự ngay cả lúc khó khăn.
Gia cơ nhìn qua nhản quan tích cực hơn. Ông cho biết “Tất cả mọi thứ tốt đẹp trong thế giới này cuối cùng đến từ Chúa." Gần như ông muốn nói rằng, cái gì tốt, do Chúa đã làm. Cái gì xấu phát xuất từ Sa-tan.
Tôi tự hỏi, chúng ta đang sống ngay bây giờ có phải vì Chúa muốn cho chúng ta sống hay không? Chúng ta còn thở được vì Chúa cho chúng ta không khí để thở và có đôi phổi tốt lành để đưa nó vào. Nếu Chúa đã rút các phước lành này, không ai trong chúng ta sẽ mang hơi thở từ một nguồn cung cấp nào khác.
Tất cả chúng ta đều biết điều này, nhưng hiếm khi chúng ta nghĩ về nó. Hiếm khi nào chúng ta dừng lại để tạ ơn những ân lành của chính cuộc sống. 2 Cô-rinh-tô 1:3-4 “3 Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, là Cha hay thương xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên ủi. 4 Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn, hầu cho nhơn sự yên ủi mà Ngài đã yên ủi chúng tôi, thì chúng tôi cũng có thể yên ủi kẻ khác trong sự khốn nạn nào họ gặp!”
Cuộc đời của tôi - mà tôi tin cũng là của quý vị - là một bằng chứng rõ ràng về lòng thương xót của Ngài. Mỗi lần tôi gặp khó khăn là những lần tôi thấy sự hiện diện của Chúa và trong tình yêu thương, Chúa gở rối, giải quyết một cách bình an cho tôi. Hội Thánh chúng ta không thiếu những bài chứng về sự yên ủi và lòng thương xót của Đức Chúa Trời.
Để ý câu 4:” Ngài yên ủi chúng tôi trong mọi sự khốn nạn. - Nghĩa là "Lúc tôi đau, Ngài ở bên giường, lúc tôi vào bệnh viện để giải phẫu tim, Ngài túc trực bên tôi. Lúc tôi cần tiền Ngài mang tiền cho tôi. Khi tôi buồn giận ai, Ngài vỗ về tôi để tôi quên đi. Khi tôi đi trong thung lũng của sự chết, Ngài bồng tôi lên và giúp tôi thoát.
Qua ba câu Kinh văn trên, Phao-lô cho biết rằng chúng ta sẽ không bao giờ khám phá được chiều sâu của lòng thương xót này nếu chúng ta không vướng vào hoàn cảnh cùng cực khó khăn. Hoạn nạn, khốn khó giúp chúng ta gần Chúa hơn, hiểu Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn.
Ông Thành là một Thiếu tá của QLVNCH. Ông phục vụ trong Phủ Tổng Thống. Tôi biết ông khi ông đến thờ phượng Chúa tại Hội Thánh Lanham ở Maryland cùng với gia đình. Ông sinh hoạt với chúng tôi khoảng được 5,6 năm và rất ít vắng mặt trong buổi thờ phượng nhưng lúc nào ông cũng than phiền, trách móc người này người kia, luôn luôn đưa ra những nguyên tắc để gây rối, chứng tỏ ta là người hiểu biết, nhiều người không muốn gần ông. Bổng nhiên, ông vắng mặt cả tháng không đến Hội Thánh . Thì ra ông bị bệnh ung thư phổi.
Lúc đó tôi là một Chấp sự hay trưởng ban chấp hành nên tôi phải đến thăm ông. Ông rất mừng và tâm sự với tôi rằng dù ông đi thờ phượng Chúa 5, 6 năm nhưng ông chưa phải là Cơ-đốc nhân thật sự, ông không có một ý thức nào về Chúa và sự cứu rỗi mà Chúa ban cho loài người. Ông chỉ biết lờ mờ. Gần đây, từ khi ông biết mình bị ung thư và không sống bao lâu, ông mới đọc quyển Kinh Thánh hay những sách dạy giáo lý Tin Lành. Và bắt đầu cầu nguyện với Chúa. Bây giờ ông mới tin Chúa thật sự. Đến nay, ông cảm thấy ông càng ngày càng gần Chúa hơn. Ba tháng với chứng bệnh ung thư thật là hữu ích cho ông hơn 6 năm đi thờ phượng.
“Sự bình an mà Chúa ban cho tôi trong lúc này thật sự là bình an không phải của thế gian cho. Trước đây, khi tôi chưa tin Chúa, tôi khỏe mạnh, nhưng tôi không có sự bình an. Tôi lúc đó chưa tái sinh, tôi không có sự thay đổi. Con người tôi vẫn là con người của những ngày trước. Bây giờ, tôi đau yếu, đang sống trong hoạn nạn và sắp từ giả cõi đời này nhưng tôi thay đổi, tôi được tái sinh, không lo sợ gì cả, tôi rất bình an. Mấy tháng hoạn nạn giúp tôi gần Chúa, hiểu Chúa yêu thương tôi như thế nào. Đó là những cảm giác tôi không có trong mấy năm đi thờ phượng Chúa.”
Ông viết cho tôi một bài làm chứng về sự bình an do Chúa ban cho ông và lòng thương xót của Chúa dành cho ông để khi nào ông chết, tôi sẽ đăng vào tập san Tinh Thần. Tôi đã giữ đúng lời hứa đó và ông đã qua đời thật bình an.
IV. ÂN ĐIỂN CỦA CHÚA
“Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta, hầu cho chúng ta được nên như trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên.” (Of his own will he brought us forth by the word of truth, that we should be a kind of firstfruits of his creatures (v. 18).
a. Cơn Mưa Ân Điển Từ Trời
Gia-cơ nhấn mạnh: ." .. mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống." Thật vậy, mọi phước lành đều bắt đầu từ Đức Chúa Trời và đến tận con người, mọi phước lành đều bắt đầu từ thiên đàng và đến trái đất. Chúng ta không thể mặc cả để có sự thương xót, vì để có thể đạt những gì chúng ta muốn thì chúng ta phải có cái gì đó tốt lành để dâng lên Chúa. Cái chúng ta có là một con người hẹp hòi, ích kỷ, đầy tội lỗi không khác gì cái áo nhớp trước mặt Chúa mà thôi. Ân điển của Chúa rơi xuống thế gian như những giọt mưa làm mềm lớp đất cứng của trái tim con người.
Ngay cả các tín hữu tốt nhất cũng không có hy vọng về thiên đường nếu thiếu lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Nếu Ngài không tha thứ và tiếp tục tha thứ, nếu Ngài không tiếp tục đổ ra lòng thương xót như "mưa nhẹ nhàng từ trên trời," chúng ta sẽ hoàn toàn vô vọng. Chúng ta cần điều này khi ứng hầu trước mặt Chúa.
b. Bắt Đầu Với Chúa
Dù chúng ta có thể nói chúng ta "tự do" làm theo ý riêng của mình. Nhưng nghĩ cho cùng sự cứu rỗi không bắt đầu với chúng ta; ân điển này bắt đầu với Thiên Chúa. Sứ đồ Gia-cơ đồng ý với câu trả lời đó. Ông viết sự cứu rỗi (Salvation) là của Chúa. Đôi khi chúng ta nói: "Tôi đã gặp Chúa," đó là hoàn toàn đúng sự thật. Nhưng nếu Chúa không đến thế gian để tìm thấy chúng ta trước thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được Ngài.
Tóm lại, Cơ-đốc nhân có ba chân lý bất biến; đó là: (1) TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA. (2) SỰ NHÂN LÀNH CỦA CHÚA. (3) ÂN ĐIỂN CỦA CHÚA
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn nào, bế tắc, vô vọng hay bất lực tới chừng nào, hãy nhớ đến Đức Chúa Trời của chúng ta là đấng Yêu Thương, Nhân Lành và đầy Ân Điển.
Tôi không có một công thức nào toàn hảo để cung cấp cho các bạn hầu có thể xua tan nỗi lo lắng, đau buồn, xóa đi sự sai lầm, và lau khô những giọt nước mắt của bạn. Nhưng tôi có lời cầu nguyện để giúp bạn nhớ ." .. kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết" (Giê-rê-mi 33:3) mỗi khi bạn biết rằng mỗi cuộc sống sẽ nhận lãnh một số cơn mưa sẽ phải rơi. Đôi khi nó là những giọt mưa phùn, đôi khi nặng hạt, và đôi khi là cơn nước lũ đe dọa chôn vùi chúng ta. Tất cả đều sẽ thỏa lòng qua sự cầu nguyện.
Tôi tin chắc rằng Chúa sẽ đáp ứng những gì chúng ta chờ đợi nếu chúng ta biết chấp nhận một cách khôn ngoan đầy đức tin.
V. TRÊN CÁT VÀ TRÊN ĐÁ
Có hai người bạn đang dạo bước trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát vào mặt người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng:
- "Hôm nay, bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi."
Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân nghỉ ngơi và tắm rửa. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh.
Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết đuối khắc lên tảng đá dòng chữ:
- "Hôm nay, bạn thân nhất của tôi đã cứu sống tôi."
Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi:
- "Tại sao khi tôi làm cho bạn đau, thì bạn lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?"
Và câu trả lời anh nhận được là:
- "Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi."
VI. BẠN HAY THÙ DO TA
Ngày xưa, có một người nông dân và một người thợ săn là hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một đàn chó rất dữ tợn và khó bảo, chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người nông dân bảo người hàng xóm rằng hãy trông nom đàn chó cẩn thận, nhưng xem ra những lời đó đã bị bỏ ngoài tai.
Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong đàn bị thương nặng. Lúc này, người nông dân không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta bèn lên phủ báo quan.
Vị quan chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói: "Ta có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì: Một người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của mình?"
Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn hơn.
Vị quan nghe vậy bèn phán: "Được, vậy ta sẽ chỉ cho anh cách để vừa bảo vệ đàn cừu, vừa giữ được một người bạn."
Người nông dân bèn nghe theo lời chỉ dẫn của vị quan. Về nhà, anh ta bắ ba con cừu tốt nhất của mình đem tặng cho ba cậu con trai nhỏ của người hàng xóm. Đám trẻ rất vui, quấn quýt chơi với ba con cừu. Để bảo vệ đồ chơi mới của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi để nhốt đàn chó.
Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của người nông dân nữa. Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân với con của mình, người thợ săn thường mang chiến lợi phẩm anh ta săn được sang cho người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thực phẩm và phô-mai do mình làm ra. Và chỉ trong một thời gian ngắn, hai người hàng xóm đã trở thành bạn tốt của nhau.
KẾT LUẬN
Dĩ bất biến ứng vạn biến tức là lấy cái không thay đổi mà ứng phó với cái luôn thay đổi. Mọi sự vật, mọi hiện tượng đa dạng, thay đổi khôn lường nhưng đều xoay quanh trục của nó, đó là nguyên lý của vạn vật.
Cái bất biến chế ngự nhân sinh là Đức ChúaTrời mà lời của Ngài được ghi lại trong quyển Kinh Thánh nói đến ba cái chân lý bất biến của Đức Chúa Trời là tình yêu thương của Đức Chúa Trời, sự nhân lành và ân điển của Ngài.
Hãy dựa trên ba bất biến này mà ứng phó với hoàn cảnh khắc nghiệt chung quanh.
Nếu bạn được đến nơi mà tất cả các câu hỏi của bạn được trả lời, tất cả các khó khăn của mình đã biến mất hết, và tất cả các thử thách của bạn không còn thì tôi sẽ nói bạn đã đến thiên đàng.
Giữa bây giờ và chừng đó, những "mối nguy hiểm, thử thách và cạm bẫy" vẫn còn ở phía trước chúng ta. Không ai được miễn những rắc rối của cuộc sống này.
Nhưng ân sủng từ ba chân lý bất biến đó sẽ đưa chúng tôi đến nhà với Chúa một cách an toàn.
Đau khổ chỉ là tạm thời. Tác giả Thi-thiênđã nói về điều này như sau: “sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng” (Thi-thiên30:5b).
|