CON CÁ BẮC MINH
Với lời bàn của VN
Trang Tử trong cuốn “Tiêu Dao Du” đã viết về con cá ở Bắc Minh tên cá Côn, có thể hóa thành chim đại bàng, ngao du trong 9 ngày. Nó sẽ cưỡi gió tháng 6 để bay tới Nam Minh. Nhưng Trang Tử lại nói rằng nó không tự do, một khi không có gió, nó ngay lập tức sẽ bị rơi từ trên cao xuống.
Có một người tên Liệt Tử, người này có thể cưỡi gió mà tự do đi lại lên trời, giống như thần tiên vậy. Nhưng nếu không có gió, Liệt Tử cũng sẽ buồn rầu.
Đứng trước miệng gió, ai cũng có thể bay lên, kiểu tự do này phải dựa vào ngoại vật, cũng như nhiều người cần phải dựa vào tiền tài, danh vọng mới có thể lấp đầy khoảng trống bên trong.
Đào Uyên Minh, một trong những nhà thơ lớn của Trung Quốc thời nhà Tấn, từng nói một câu rất nổi tiếng: "Con người không thể chỉ vì 5 đấu gạo mà chịu cảnh khom lưng. Ông thà “trồng đậu dưới núi Nam, đội trăng vác cuốc về.” Áo gấm cơm ngọc chốn quan trường dẫu tốt hơn nữa cũng không bằng một ly rượu hoa cúc trong tay.
Như Lý Bạch trong bài thơ “Đăng Kim Lăng Phụng Hoàng Đài” có câu thơ rằng: “Ngô Cung thâm xứ mai hoang thảo, Tấn Đại y quán thành cổ khâu,” tạm hiểu là: Bên mé Ngô cung, hoa thảo mọc che lối đi âm u; quan lại quý hiển thời Đông Tấn giờ chỉ là gò hoang. Vinh hoa, phú quý chớp mắt lại trở thành câu chuyện nói nói cười cười của người khác, có gì đáng phải bận tâm đây?
Trong trí tuệ của Trang Tử, “không để ngoại cảnh chi phối” là tầng cảnh giới thứ nhất của đời người.
Có câu chuyện như vậy: Có một người ngồi bên sông câu cá, mỗi lần câu ông đều sẽ ước chừng, con nào hơi to một tí thôi, ông ngay lập tức sẽ thả về lại sông. Những người khác thấy vậy đều hỏi tại sao. Ông nói: “Cái chảo nhà tôi chỉ to có chừng này, cá to quá không cho được vào chảo.” Theo đuổi vật chất cần phải có một mức độ thích hợp, “đủ dùng là được” là một thái độ sống đáng để theo đuổi.
Lời bàn của VN
Các bạn thân mến, luận bàn về thú tiêu dao trong thời buổi tân kỳ bận rộn của thế kỷ 21 này thật là thú vị, phải không? Có khi nào trong một khoảnh khắc của đời sống, bạn mơ tưởng có một thời gian ngắn ngủi được thả hồn phiêu diêu trong thiên nhiên trầm lặng nhưng đẹp đẽ, lánh xa cái gọi là “hồng trần” bận rộn? Ắt rằng khoảng thời gian ấy, nếu hiện hữu, sẽ rất quý giá và bổ ích cho đời sống bạn. Nhưng tiếc thay, có bao nhiêu người trong chúng ta được tận hưởng thú tiêu dao ấy? Được gác bỏ ngoài tai những lo toan chật vật của đời sống, vui hưởng những gì mình muốn làm cho chính mình, và cho những người thân yêu; đó cũng là một khía cạnh ưu việt của nhân sinh quan “không để ngoại cảnh chi phối” này.
Câu hỏi được đặt ra là liệu thú tiêu dao này, hay nhân sinh quan “không để ngoại cảnh chi phối” có thật hiện hữu hay chỉ như một xa xí phẩm hoặc một sản phẩm của trí tưởng tượng thời hiện đại?
Trong bối cảnh của một xã hội được công nghiệp hóa, với những phát minh tân kỳ, con người được tận hưởng nhiều thành quả của đời sống văn minh, hiện đại. Cách đây vài thập niên, có ai tưởng tượng được con người có thể làm được thật nhiều việc trên một chiếc điện thoại thông minh, và những người ở cách xa nhau như phương đông xa cách phương tây lại có thể nhìn thấy nhau, nghe tiếng nhau chỉ một tích tắc sau khi bật lên những dụng cụ tân kỳ. Đây chỉ là một ví dụ điển hình trong rất nhiều những áp dụng tiên tiến của trí thông minh của con người hiện đại. Cũng cần lưu ý rằng những phát minh tân tiến và thành tựu khoa học kỹ thuật tự thân nó không phải là điều xấu. Hơn thế nữa, đó là những phương tiện hữu hiệu phục vụ đời sống.
Tuy vậy, cần phải cẩn trọng. Con người phải cẩn thận để học biết chữ “ĐỦ.” Nếu không thì nhân sinh quan sống đua chen và chỉ biết hưởng thụ sẽ khiến những giá trị tốt lành của đời sống dần dần bị mai một. Điển hình trong những giá trị tốt lành ấy là lòng tin kính Chúa và tình cảm gia đình. Ngày nay, con người mở mắt ra là bận rộn để bươn chải cho đời sống, không những chi để mưu sinh, nhưng cao hơn một mức, để mưu cầu những điều mình ưa thích và mong muốn được có. Sự mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời đã khiến không ít kẻ sa vào vòng lao lý, trở nên bội đạo. Họ sống bất chấp đời sống tâm linh và đặt tình cảm gia đình thành thứ yếu so với nhu cầu tìm kiếm vật chất và quyền lực. Con người hãnh diện khi ngồi trên những chiếc xe Tesla tân kỳ hết sức đắt đỏ. Những ngôi nhà lộng lẫy như lâu đài với tiện nghi hiện đại vào bậc nhất nhì cũng là mục tiêu để con người vật lộn không ngừng nghỉ. Những giá trị cao quý đang bị dần dần bỏ rơi.
Luận về con cá Bắc Minh hay nhân vật Liệt Tử, ắt chúng ta đều biết rằng đây vốn là những hư cấu của truyền thuyết xa xưa, vốn không hiện hữu. Điều cần lưu ý là tìm ra những bài học gì được hàm ý trong đó. Con cá Bắc Minh thần kỳ sẽ tệ hơn con cá bình thường nếu không có gió. Liệt Tử cỡi gió ngao du tiên cảnh khi thiếu vắng gió thì cũng vô phương. Đúng như Trang Tử nhận định, họ không tự do mà sống phụ thuộc vào ngoại cảnh. Cũng như vô số người đang sống dựa vào tiền tài và danh vọng để lấp đầy sự trống vắng của đời sống nội tâm. Đó cũng là lý do khiến nhiều người không chịu đựng nổi sự sụp đổ về tiền tài, danh vọng, và quyền lực đến nỗi phải tìm đến cái chết. Nhiều mái ấm gia đình tan vỡ, vợ chồng ly tán, con cái lâm cảnh tù đày, chết chóc chỉ vì con người mải mê bươn theo hư vinh của tiền tài, danh vọng, và quyền lực. Như những con thiêu thân!
Khi nhà thơ Lý Bạch cảm khái để viết lời ta thán trước cảnh hoang tàn đổ nát của những nơi trước đó vốn là cực kỳ xa hoa, quyền quý, hẳn ông ý thức rõ ràng rằng vinh hoa phú quý chỉ là
phù vân. Khi Trang Tử tìm thấy cảnh giới thứ nhất của đời người, ông sống tiêu dao không để ngoại cảnh chi phối. Vấn đề đặt ra là các bạn có nhận định được tiền tài, danh vọng, hay
quyền lực chỉ là ảo ảnh của đời. Vấn đề đặt ra là bạn có muốn chọn lựa lối sống “tiêu dao” không bị ngoại cảnh chi phối hay không. Vấn đề đặt ra là liệu thú tiêu dao này, hay nhân sinh quan “không để ngoại cảnh chi phối” có thật hiện hữu?
Những điều mà Trang Tử, Lý Bạch, Đào Uyên Minh, hay lão ngư phủ, vốn chỉ bắt cá lớn vừa cho cái chảo, đã thấu hiểu được chính là triết lý sống “Tri túc” tức là “biết đủ.” Điều này vốn đã được Đức Chúa Trời để lại trong Kinh Thánh để giáo huấn con người. Ngài vốn biết rõ nhược điểm của con người dễ sa vào chước cám dỗ của ma quỉ. Hãy tỉnh thức để thấy được điều mà ma quỉ sử dụng để cám dỗ con người. Đó là: vật chất, tư dục, và quyền lực. Sa vào đó con người dễ dàng bội ơn Chúa và sống không màng đến đời sống tâm linh. Mời bạn suy gẫm Lời Chúa chép trong Kinh Thánh , sách 1 Ti-mô-thê 6:6-10 như sau:
Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.
Lão ngư phủ đã nhận chân ra triết lý “Tri Túc” trong Lời Chúa dạy “miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng.” Mỗi người đều có 24 giờ trong một ngày như nhau để sống. Mỗi ngày ba bữa đủ ăn, ngủ được bình an 7-8 tiếng là phải biết thỏa lòng. Vì sao phải hy sinh những giá trị thiêng liêng đáng quý cho hư vinh của đời này?
Chúng ta vốn được Chúa, là Đấng Tạo Hóa tạo dựng với cả hai nhu cầu về vật chất lẫn tâm linh cần được bồi bổ đồng đều. Ma quỉ biết rõ yếu điểm của con người nên dùng sự mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời để lôi kéo con người rời xa Chúa và bội đạo. Mời bạn suy gẫm Lời Chúa giáo huấn rõ ràng về điều này để có sự tỉnh thức và không rơi vào chước cám dỗ của ma quỉ trong 1 Giăng 2:16: "Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra."
Nếu bạn nhận biết được Đấng Tạo Hóa, cũng là Đấng Cứu Thế, là Chúa Jesus đã đến thế gian chịu chết trên thập tự để cứu nhân loại thoát vòng tội lỗi, bạn còn chần chừ gì mà không đến với Ngài để tiếp nhận ơn Cứu chuộc? Chính Ngài sẽ ban cho bạn sự BÌNH AN, vốn không phải sự bình an của thế gian. Sự bình an của Chúa Giê-xu thật sự không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Trong cơn nguy khó, khi đối diện với thử thách, cũng như lúc vui mừng, người thật có Chúa Giê-xu làm chủ đời sống thật sự cảm nhận được sự bình an, vì biết rằng Chúa luôn ở cùng, dìu dắt và ban phước, mở đường cho ra khỏi hoạn nạn. Khi lìa bỏ nhà tạm này, người trung tín theo Chúa được bình an về bên Chúa nơi chốn Ba-ra-đi phước hạnh. Cho dù đời này, hay trong cõi vĩnh hằng đều được phước. Hãy nghe lời Chúa Jesus phán về điều này trong Giăng 14:27:"Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi."
Thú tiêu dao của Trang Tử chỉ đủ giúp ông thỏa lòng sống ở thế gian không để ngoại cảnh chi phối. Nhân sinh quan của Đào Uyên Minh thà sống an hưởng ly rượu hoa cúc nơi thôn dã không màng đến lợi danh, cũng chỉ đủ cho ông vui hưởng cuộc sống ở nhà tạm này. Nhưng sự bình an mà Chúa Jesus ban cho những ai thật lòng tin theo Ngài không những khiến con người hưởng phước an lành chốn thế gian, mà còn là lời hứa chắc chắn cho những ai trung tín theo Chúa được hưởng Thiên Đàng phước hạnh, nơi không có bệnh tật, ốm đau, chết chóc. Nơi không có nước mắt và sự chết. Thoát khỏi lửa địa ngục hành phạt đời đời. Đó chẳng phải là chân phước hạnh hay sao? Bạn đã được dự phần vào sự bình an của Chúa Jesus ban hay chưa?
|