TẬP SAN TINH THẦN 1

BẢY CÂU HỎI VỀ THỜ CÚNG ÔNG BÀ,
THẮP HƯƠNG KHẤN VÁI

Mục Sư Trần Nhựt Thăng

CÂU HỎI 1

Trong Kinh Thánh có chỗ nào dạy người tin Chúa phải hiếu kính cha mẹ mình không. Sở dĩ tôi hỏi như vậy vì tôi nghe nhiều người nói đạo Tin Lành là đạo bỏ ông bà cha mẹ?

TRẢ LỜI

Đây là một sự hiểu lầm tại hại. Sự hiểu lầm này là một trong những nguyên nhân khiến cho đạo của Chúa không phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Sự thật là theo Kinh Thánh, Hiếu thảo là một mạng lịnh của Đức Chúa Trời ban hành cho loài người qui định trong điều răn thứ năm trong Kinh Thánh  Cựu ước của Cơ-đốc giáo và là điều răn duy nhất có lời hứa kèm theo. Đó là: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có phán dặn, hầu cho ngươi được sống lâu và có phước trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:16).

Đức Chúa Trời cũng dạy con cái phải tôn kính và vâng phục cha mẹ mình:

“Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” (Ê-phê-sô 6:1–3) hoặc: “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.” (Cô-lô-se 3:20).

Chúa dạy loài người phải tuyệt đối tôn kính vâng phục đang khi cha mẹ còn sống.

CÂU HỎI 2

Nếu Kinh Thánh dạy rõ ràng như vậy và nếu Cơ-đốc nhân tuân theo mạng lệnh này của Đức Chúa Trời thì tại sao đạo Tin Lành tại Việt Nam bị cho là đạo bỏ ông bỏ bà.

TRẢ LỜI

Chắc ai ai cũng thấy tín đồ của Chúa đã ăn ở rất hiếu thảo với cha mẹ ông bà khi họ còn sống. Cơ-đốc nhân bày tỏ tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ rất cụ thể qua thái độ, cử chỉ, đời sống hàng ngày như sau:

– Về đời sống tâm linh:  cố gắng hướng dẫn ông bà cha mẹ tin nhận Chúa, để linh hồn được cứu, để khi qua đời được về sống trên thiên đàng.
– Về đời sống vật chất: quan tâm chăm sóc về sức khoẻ, thể xác và tinh thần cho ông bà cha mẹ. Cố gắng đáp ứng những nhu cầu trong cuộc sống cho ông bà cha mẹ.
– Khi ông bà cha mẹ qua đời, phải lo tang lễ và chôn cất chu đáo, chăm nom mộ phần để phát hiện những hư hỏng và sửa chữa kịp thời.
– Thực hiện một nếp sống đạo đức tốt đẹp để lưu danh tiếng tốt cho ông bà cha mẹ.

Tuy nhiên, khi cha mẹ qua đời, Cơ-đốc nhân không lập bàn thờ để thờ. Đến ngày giổ, Cơ-đốc nhân không tổ chức cúng lạy. Tôi nghĩ có lẽ vì vậy mà dân gian cho rằng người Tin Lành bỏ ông bỏ bà.

CÂU HỎI 3

Việt Nam là một dân tộc giàu tình cảm, trọng lễ nghĩa, sống hướng nội, thường giải quyết các vấn đề theo cảm tính hơn lý trí. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” là một trong những đức tính đáng trân trọng của dân tộc Việt. Người Việt có khuynh hướng nhìn lại quá khứ và nuối tiếc dĩ vãng nhiều hơn hướng đến tương lai như người phương Tây. Vì thế người Việt thường lưu giữ mãi những tình cảm thương tiếc đối với ông bà cha mẹ quá cố. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời trên căn bản này và được đa số người Việt xem gần như một tôn giáo, gọi là đạo Thờ cúng Ông Bà...

Tôi nghĩ rằng dân tộc Việt sống trong một khu vực địa lý đặc biệt, nằm sát với một Trung quốc to lớn. Nngười Việt từ xa xưa đã học chữ Trung Quốc, đọc sách Trung quốc và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo.

Khổng Tử, một nhà hiền triết của Trung quốc, hệ thống hóa và phát huy học thuyết của Nho gia, lập ra những qui tắc để răn dạy người đời học biết cách sống phùhợp với luân thường đạo lý trong xã hội. Triết lý về xử thế, giáo dục đạo đức con người được Khổng Tử xem như phần quan trọng nhất. Chữ “hiếu” trong đạo “nhân” của Khổng Tử được đặt làm nền móng cho Khổng giáo.

Đạo làm người trong Khổng Giáo lấy việc hiếu thuận làm đầu và khởi sự với hai từ: “Yêu” và “kính."  Khởi đầu là kính yêu cha mẹ, kính nể huynh trưởng của mình, đến việc nuôi dưỡng song thân. Từ quan niệm hiếu trong Khổng giáo, người Việt tiếp nhận và thể hiện qua cái bàn thờ tổ tiên.

Thưa Mục sư, như vậy việc lập bàn thờ tổ tiên và việc cúng lạy ông bà nhân ngày giỗ là đạo hiếu nghĩa. Tại sao Tin Lành cấm làm điều này?

TRẢ LỜI

Tôi đồng ý với nhận xét của bạn.

Người Việt chọn cách gửi gắm tâm tư tình cảm và sự trông cậy của mình vào ông bà cha mẹ đã khuất và mong chờ ở họ sự phù hộ độ trì qua việc thờ cúng tổ tiên.

Khổng tử dạy hiếu thảo với mục đích giúp con người tu sửa tâm, hoàn toàn không mang ý nghĩa thần Thánh  hóa tổ tiên của mình và thờ cúng như thờ Trời. Người Việt ta đã gắn thêm ý nghĩa “thần thánh ” cho tổ tiên để khấn vái, cầu khẩn khi ông bà cha mẹ qua đời.

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ ý muốn thực hiện lời dạy dỗ của Khổng Tử, lấy chữ “hiếu” làm đầu, nhưng lại bị biến hóa thành hủ tục rườm rà, phiền toái đánh mất sự giản dị và trong sáng của tinh thần của hai chữ “hiếu thảo.”

Người Việt đã hiểu sai nghĩa câu “Sự tự như sự sinh, sự vong như sự tồn” mà xem tổ tiên, ông bà cha mẹ như những người sống có thể xác vật lý thực sự, lại còn thần Thánh hóa ông bà cha mẹ mình để mong cầu sự độ trì!

Tổ chức ngày giỗ của tổ tiên là thể hiện tính nhân văn của dân tộc Việt, là một dân tộc đặc biệt mang một thứ tình cảm không thể tìm thấy ở các dân tộc châu Âu.

Tổ chức ngày giỗ tổ tiên của người Việt còn có ưu điểm thứ hai là duy trì được tình thân trong quan hệ thân tộc. Những ngày kỹ niệm một người thân qua đời, là những dịp để con cháu ở các nơi khác hội tụ lại, cùng nhau gặp gỡ hàn huyên để kết chặt mối thâm tình, đồng thời thăm nom an ủi ông bà cha mẹ, nếu như họ còn sống.

Song song với những ưu điểm đó, phong tục này có khuyết điểm. Đó là xem người chết như những vị thần bảo hộ, che chở cho mình và đặt ra những hình thức cúng bái lễ lạc rườm rà đượm mùi mê tín. Đây là một một ý niệm hư ảo hoang đường và phản khoa học.

Người chết xác thân phải bị vùi chôn dưới ba tấc đất để từ từ tiêu hủy trở về với cát bụi. Còn phần linh hồn hoặc về với Chúa ở thiên đàng hoạt xuống điạ ngục. Linh hồn của con người không ăn, không uống, và dĩ nhiên không sinh hoạt hành động như người sống. Như thế thì người chết không có năng lực để phò hộ độ trì cho con cháu. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt là một loại hình tín ngưỡng bày tỏ sự mê tín, huyễn hoặc.

Vì Cơ-đốc nhân chỉ thờ Đức Chúa Trời chứ không thờ lạy ông bà cha mẹ. Họ cũng chỉ là tạo vật của Đấng Tạo Hóa. Cơ-đốc nhân không phong “thần” cho ông bà cha mẹ mình để cúng bái thờ tự và cũng không nên tin là có thể cầu vấn được điều gì nơi họ cả.

Vì Cơ-đốc nhân được Kinh Thánh mạc khải: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng-thế Ký 2:7).

Vì loài người là từ bụi đất mà ra, cho nên sau chết đi, thể xác hư hoại và lại trở về với bụi đất như Đức Chúa Trời đã phán: “ . . . cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.” (Sáng-thế Ký 3:19). Kinh Thánh  cho biết: Tổ tiên của loài người do Đức Chúa Trời tạo dựng nên từ tình yêu của Ngài. Như vậy, tất cả loài người đều có cùng chung một Tổ cao nhất, là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ: Đó chính là Đức Chúa Trời của Cơ-đốc giáo.

“Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. (Sáng-thế Ký 1:27). Do vậy, Cơ-đốc nhân chỉ thờ duy nhất Đức Chúa Trời, là Tổ tiên cao nhất của loài người và của cả vũ trụ.

“Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy” (Giăng 4:24) nên thờ lạy Ngài không cần lập bàn thờ.

Đã không có bàn thờ Đức Chúa Trời thì sao lại phải lập bàn thờ cho ông bà, cha mẹ. Thế thì con cái muốn Ông bà cha mẹ phạm thượng với Đức Chúa Trời hay sao? Ngoài Đức Chúa Trời ra, Cơ-đốc nhân tuân theo mạng lịnh của Ngài, không thờ lạy bất cứ một tạo vật nào khác của Ngài: “Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:7).

Chúa không bao giờ chấp nhận sự bất hiếu của con người và Ngài luôn bày tỏ chính Ngài như hình ảnh người Cha (Ô-sê 11:1-4; Ê-sai 1:2; Giê-rê-mi 3:19) và bày tỏ Ngài như người Mẹ (Ê-sai 49:15; Hô-sê 11:8; Giê-rê-mi 31:20).

Ràng buộc con người vào mối quan hệ cha mẹ là phải HIẾU-KÍNH là một trong 10 điều răn, là mạng lệnh áp dụng cho tất cả loài người của Đức Chúa Trời. (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12).

CÂU HỎI 4

Thưa Mục sư,

Ông bà cha mẹ là bậc sinh thành ra chúng ta. Kinh Thánh cũng dạy Cơ-đốc nhân phải hiếu kính cha mẹ. Vậy việc cúng lạy trong ngày giỗ ông bà cha mẹ là phải lẽ, là hợp với ý Trời, lẽ nào đạo Tin Lành cấm đoán để người theo Chúa trở nên người bất hiếu vậy?

TRẢ LỜI

Trước hết chúng ta cần phải đồng ý với nhau thế nào là người con có hiếu thảo với cha mẹ. Một người con mà cha mẹ còn sống không chăm sóc, không cấp dưỡng, không hỏi han thăm viếng để rồi khi cha mẹ chết đi thì lập bàn thờ, nhang khói nghi ngút, ngày giỗ linh đình thức ăn, thực khách thì hàng hàng lớp lớp là người con hiếu thảo không? Tôi không tin người đó là người con hiếu thảo được. 

Một người khác lúc nào cũng quan tâm chăm sóc về thể xác và tinh thần cho ông bà cha mẹ khi họ còn sống - Đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống cho ông bà cha mẹ.  Cố giữ một nếp sống đạo đức tốt đẹp để lưu danh tiếng tốt cho ông bà cha mẹ. Nếu ông bà cha mẹ là người chưa biết Chúa, hướng dẫn ông bà cha mẹ tin nhận Chúa, để linh hồn được cứu. Khi ông bà cha mẹ qua đời, lo tang lễ và chôn cất chu đáo, chăm nom mộ phần để phát hiện những hư hỏng và sửa chữa kịp thời nhưng trong nhà không có bàn thờ, không nhang khói, không cúng, không lạy trước di ảnh của ông bà thì người này bị gọi là bất hiếu hay sao?

Thưa ông, người thứ hai là người Tin Lành đó. Như vậy theo ông, lúc sống không chăm sóc cha mẹ đợi lúc chết đi thì lập bàn thờ, đám giỗ linh đình có phải là hiếu thảo không?

CÂU HỎI 5

Tôi đồng ý với ông về nội dung của hai chữ hiếu thảo và sống như thế nào mới đúng là hiếu thảo. Nhưng việc cấm lập bàn thờ, cấm cúng lạy ông bà cha mẹ có quá đáng không ? Tại sao mấy ông cấm đoán việc đó?

TRẢ LỜI

Thờ cúng tổ tiên là hình thức tín ngưỡng mà thông qua nghi lễ thờ cúng nhằm xác lập “mối liên hệ” giữa người sống với người chết, giữa người thế giới hiện tại và thế giới tâm linh.
Người Việt nghĩ rằngngười chết vẫn còn quanh quẩn đâu đó trên trần thế này mặc dù mắt thường không nhìn thấy. Người quá cố có thể nhận biết được tư tưởng của người đang sống cần gì. Ngược lại, thì người còn sống cũng muốn làm cho người đã khuất có được nhu cầu như còn sống.

Quan niệm này hoàn toàn có tính cách mê tín. Ai ai cũng nhận thấy người chết không thể trở lại ăn uống các thức ăn mà họ để trên bàn thờ. Thế mà vẫn làm việc vô nghĩa. Xem người chết như những vị thần bảo hộ, che chở cho mình và đặt ra những hình thức cúng bái lễ lạc rườm rà đượm mùi mê tín. Đây là một một ý niệm hư ảo hoang đường và phản khoa học.

Người chết không có năng lực để phò hộ độ trì cho con cháu. Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt từ từ trở thành một tập tục mang sắc thái của mê tín, huyễn hoặc.

Vì vậy đạo Tin Lành cấm làm những việc mê tín huyễn hoặc đó. Như tôi có trình bày nhiều lần trước đây, đạo Chúa không bao giờ chấp nhận sự bất hiếu của con người và Ngài luôn bày tỏ chính Ngài như hình ảnh người Cha (Hô-sê 11:1-4; Ê-sai 1:2; Giê-rê-mi 3:19) và bày tỏ Ngài như người Mẹ (Ê-sai 49:15; Ô-sê 11:8; Giê-rê-mi 31:20).

Ràng buộc con người vào mối quan hệ cha mẹ là phải HIẾU-KÍNH là một trong Mười Điều Răn, là mạng lệnh áp dụng cho tất cả loài người của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp tô Ký 20:12).

Có rất nhiều cách bày tỏ lòng hiếu kính Cha mẹ khi cha mẹ mình còn sống cũng như khi cha mẹ mình qua đời. Tuy nhiên, nếu không thờ phượng Đấng đã tạo ra ông bà cha mẹ mình mà thờ những người mà Ngài tạo ra thì quả thật không hợp lý.
Vả lại, lập bàn thờ, nhang đèn với những tấm hình của những người quá cố chỉ được vài đời còn những bậc xa xưa, ông cố ông tằng không có hình thì không thờ mà bỏ qua hay sao?  Mỗi năm cúng giỗ một lần còn những ngày khác họ lấy gì để ăn, còn mình thì chẳng cần nhớ đến thì đó là hiếu kính hay sao? Chúng ta cần xem xét lại thái độ bày tỏ lòng hiếu kính và tự hỏi thế nào là hiếu kính với cha mẹ mình.

CÂU HỎI 6

Mẹ tôi năm nay 78 tuổi, sức khỏe rất yếu. Như nhiều người già khác, bà đau tim, đau thận, tiểu đường, đủ thứ bịnh… Từ khi bố tôi mất mấy năm nay, mẹ tôi ở một mình trơ trọi, tinh thần suy sụp nên lại càng đau yếu hơn. Vợ tôi có nhã ý mời bà về ở chung, nhưng bà không về. Bà nói với tôi “từ ngày bố con mất thì mẹ cúng bố mỗi bữa cơm là niềm an ủi, nâng đỡ mẹ, dù vợ con có lòng tốt, nhưng mẹ không muốn chuyện cúng bố khi ở chung làm vợ con phiền lòng, vì mẹ biết là người Tin Lành được dạy không thờ cúng người đã qua đời.”

Thưa Mục sư, vấn đề mà nêu ra là chuyện riêng tư của gia đình tôi mà có thể là chuyện của bất cứ gia đình nào có người phối ngẫu tín đồ là Tin Lành. Sẽ có những người cha hay người mẹ, cả đời thương yêu, hy sinh cho con, nhưng chấp nhận chết trong cô đơn, sầu khổ không chiụ về sống với con cái để tránh những sự bất hòa không đáng có giữa người theo đạo Tin Lành và người không tin Chúa. Sẽ có những đứa con bất lực, ân hận vì không thể tìm được giải pháp nào khác.

Thưa Mục sư. Trong trường hợp này, Mục sư sẽ xử lý như thế nào để tốt đẹp đôi bên.

TRẢ LỜI

Tôi xin nói cho rõ, phần trình bày sau đây là ý kiến riêng của tôi. Ý kiến của tôi có phần mới mẻ, có thể chưa được sự chấp nhận của một số tín hữu Tin Lành nói chung. Tuy nhiên tôi cố gắng trình bày. Và sẵn sàng đón nhận sự thảo luận với những bất đồng quan niệm để chúng ta có thể tìm ra một nhân sinh quan mới mẽ sống hài hòa giữa con dân Chúa và người ngoại đạo trong một tổ ấm gia đình.

Cơ-đốc giáo cần phải có cái nhìn tích cực đối với việc thờ cúng tưởng nhớ đến công ơn của ông bà cha mẹ. Chớ nên quá khắt khe, vội vàng tìm cách loại bỏ tất cả những gì đã tồn tại trong suốt mấy nghìn năm văn hiến. Cơ-đốc giáo cần phải giải thích cho những người chưa tin Chúa hiểu được là việc thờ cúng và sự hiếu kính ông bà cha mẹ là hai biểu hiện khác nhau, không thể cho rằng phải thờ cúng mới được gọi là hiếu thảo.

Đạo Tin Lành đến Việt Nam qua những giáo sĩ Tây Phương. Bản điều lệ đầu tiên viết vào năm 1928 cho HTTLVN là một áp đặt có tính cách độc đoán, chuyên quyền, khuynh đảo, trong sự vội vã của một nhóm rất nhỏ, chỉ gồm năm mục sư Mỹ thiếu tìm hiểu văn hoá phong tục của người Việt Nam. Bản điều lệ đó triệt để cấm mọi hình thức thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Nhiều mục sư Việt nam tin Chúa tiên phong, căn cứ vào bản điều lệ này trong chín chục thập niên nay đã loại bỏ truyền thống thờ cúng ông bà cha mẹ, áp dụng triệt để theo cách thức của phương Tây, lấy điều răn 1, 2 làm tiêu chuẩn thờ phượng cho tất cả đã gây ra sự trì trệ phát triển đạo Chúa.

Việc mẹ mình muốn có thêm một cái chén không để mẹ mình không cảm thấy cô đơn là điều chúng ta nên chấp nhận. Tôi có hai lý do: ưu tiên là đưa mẹ mình về ở với mình để mình có thể trực tiếp chăm sóc. Khi ở với con cháu rồi, mẹ mình sẽ thấy bớt đơn độc và từ từ thấy việc để thêm chén cơm là vô nghĩa, chỉ là một hình thức vô ích và chính sự chăm sóc của con dâu mời làm ấm lòng đang lạnh lẽo cô đơn của bà. Nếu mình nói yêu Chúa mà để cho mẹ mình sống cô đơn bởi vì bà chưa tin Chúa và còn giữ những tập tục gia đình thì nên xem lại thái độ yêu Chúa của mình.

Theo tôi, xây dựng nền tảng thần học cần phải nghiên cứu kỷ lưỡng những yếu tố nào không ảnh hưởng đến tín lý thì cứ áp dụng vào việc bảo tồn theo nền văn hoá truyền thống, không nên kỳ thị, thiếu suy xét khiến cho việc truyền giáo mất đi hiệu quả. Đối với gia đình mới tin Chúa, chớ nên quá khắt khe.  Kinh nghiệm của cá nhân, tôi thường hay khuyến khích họ tôn trọng người qua đời, giúp họ treo ảnh kỷ niệm trên tường cách trang nghiêm chứ không bảo đốt bỏ.

 CÂU HỎI 7

Thưa Mục sư,

Tuy Mục sư chưa nói ra ý kiến riêng của Mục sư về tập tục thờ cúng ông bà cha mẹ, nhưng tôi có cảm giác như là Mục sư muốn thỏa hiệp với phong tục này như những anh em bên Công Giáo  hay sao?

TRẢ LỜI

Tôi không biết rõ quan niệm của bên Công Giáo  về việc này như thế nào. Tôi sẽ trình bày quan niệm của tôi để quý vị thấy tôi có thỏa hiệp hay không. Mỗi dân tộc có hình thức bày tỏ lòng tôn kính này, người phương Tây ôm hôn, người Châu Á chấp tay vái lạy làm cho những giáo sĩ tiền phong bị dị ứng xem thái độ này như sự tôn thờ nên nhiệt liệt bài xích.

Những gia đình theo Tin Lành còn giữ vài tập tục tôn kính ông bà đều bị lên án là làm sai lời Kinh Thánh . Bị coi là thờ ma lạy quỷ. Những người tin Chúa cô đơn khi đối diện với ngày lễ giỗ của gia đình cũng không dám dự phần vì sợ bị tố cáo là tham gia cúng tế hình tượng.

Chúng ta cần phải phân biệt giữa sự tôn kính và tôn thờ. Sự tôn kính luôn là nền tảng đạo đức giúp cho người ta biết kính người trên, nhường nhịn người dưới, không có nghĩa là thờ phượng. Hình ảnh người con dâu hay rể trong ngày cưới vì phong tục phải quỳ lạy cha mẹ trước khi thành hôn không thể bị coi là đã thờ phượng cha mẹ mình để phạm vào điều răn số 1 hoặc số 2.  Đó chỉ là cử chỉ bày tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ (tôi không khuyến khích Cơ-đốc nhân quỳ lạy cha, lạy mẹ, nhưng nếu tình thế bắt buộc, nếu cha mẹ bên kia sẽ không đồng ý cho kết hôn nếu từ chối quỳ lạy thì theo tôi sá gì một cái lạy hình thức và tôi nghĩ rằng vì một cái xá lạy mà Chúa lấy lại ân cứu rỗi của Ngài). Vấn đề là Cha mẹ thương con cũng đâu cần bắt con phải quỳ lạy thì mới được cho là hiếu thảo hay tôn kính. Chỉ cần vòng tay cúi đầu, bày tỏ lòng cảm ơn một cách thật lòng là đủ ý nghĩa rồi. Chúa không bao giờ chấp nhận sự bất hiếu của con người.

Như vậy, trước hết, Kinh Thánh  rất chú trọng đến việc hiếu kính. Vì thế, người làm công tác truyền giáo không nên tìm cách phá đổ mà nên thay thế hình thức truyền thống theo mô hình Cơ-đốc giáo.

Phao-lô là một trong những con người có kinh nghiệm truyền giáo trong nhiều bối cảnh văn hoá khác nhau. Trong thư tín cho ngườ1 Cô-rinh-tô ông chia sẻ: Đối với người yếu kém tôi trở nên như người yếu kém để chinh phục họ. Tôi trở nên mọi sự cho mọi người để bằng mọi cách cứu rỗi một vài người (I Côr 9:20-22).

Cần phải xoá bỏ những thành kiến tôn giáo hoặc hình thức tín ngưỡng. Cần xoá bỏ hình thức mê tín dị đoan, cần xoá bỏ những tư tưởng cho rằng ông bà cha mẹ qua đời là những thần linh có khả năng phù trợ người sống. Nhưng phải hiểu thật cẩn thận. Thái độ cúi đầu, chấp tay trước cha mẹ còn sống hay đã chết chỉ là để bày tỏ thái độ tôn kính chớ không có nghĩa là thờ phượng.

Treo hình ảnh ông bà cha mẹ trên vách để con cháu tưởng nhớ đến họ là thái độ cần khuyến khích hơn là bài bác. Tổ chức kỷ niệm ngày qua đời của người thân, nhắc nhở công lao của họ khi còn sống để con cháu noi theo rồi thông công với nhau vui vẻ là hành động cần có để lòng thương nhớ đến người qua đời.

Những gì Kinh Thánh  không lên án, chúng ta cũng đừng cố gắng để lên án. Nhìn lại kết quả trong suốt 100 năm qua, Tin Lành không phát triển được vì cứ mãi lo việc xây “hàng rào."  Việc áp dụng truyền giáo cho người thờ cúng tổ tiên cần phải được điều chỉnh lại, nhận định đúng bản chất của nó.

Nếu vấn đề vướng mắc này được tháo gở, tôi tin rằng người Việt nam có thể vui lòng tiếp nhận Chúa, và chúng ta sẽ có cơ hội dâng sự vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời.